Lộ phân khúc bất động sản bị sụt mạnh nhất, loạt nhà đầu tư "chết đứng"

(Dân trí) - Giá không chịu giảm sau "sốt", lộ diện phân khúc bất động sản bị thờ ơ nhất; Đất hết sốt, nhiều nhà đầu tư "chết đứng"... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Giá không chịu giảm sau "sốt", lộ diện phân khúc bất động sản bị thờ ơ nhất

Đến nay, sóng đất đã lặng nhưng mặt bằng giá vẫn rất cao, đặc biệt là tại khu vực ven Hà Nội.

Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, đất tại các vùng ven Hà Nội như Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì có giá chào bán đắt ngang ngửa các khu vực phát triển thuộc các quận nội thành thủ đô với mức giá lên tới 70-90 triệu đồng/m2. Ngay trong các ngõ ngách nhỏ, giá đất thuộc các huyện này cũng bị chào lên tới 20-30 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, mức độ quan tâm ghi nhận tại thị trường Hà Nội trong tháng 4, đầu tháng 5 sụt giảm khá mạnh so với tháng 3 ở cả hai thị trường bán và cho thuê.

Cụ thể, tại Hà Nội, mức độ quan tâm với bất động sản bán giảm 22% trong khi bất động sản cho thuê giảm 19%. Với thị trường bất động sản bán, các loại hình có mức độ sụt giảm mạnh nhất là đất dự án (giảm 34%), đất (giảm 29%) và biệt thự (giảm 22%).

Lộ phân khúc bất động sản bị sụt mạnh nhất, loạt nhà đầu tư chết đứng - 1

Chuyên gia khuyến cáo các nhà đầu tư cần chú ý đến việc định giá sản phẩm để xác định giá đầu tư phù hợp với thị trường.

Đất hết "sốt", nhiều nhà đầu tư "chết đứng"

Anh Nguyễn Đông (kinh doanh tự do) cho biết, nghe thông tin Nhà Bè, TPHCM sẽ lên quận nên vội tin lời môi giới, xuống tiền mua mảnh đất tại xã Phước Kiểng với mức giá 65 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nếu mua vào thời điểm trước tết Nguyên đán thì giá đất tại đây chỉ dao động mức 50-55 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, với kỳ vọng trong thời gian tới giá đất sẽ còn tăng nữa nên anh Đông quyết tâm "ôm đất" .

Anh Ngô Bảo P. (ngụ quận 12, TPHCM) cho biết, thời điểm cuối năm 2020, anh tìm hiểu nhiều thông tin trên mạng thì thấy sẽ triển khai nhiều đường vành đai, tuyến đường sắt nối khu vực trung tâm TPHCM với các huyện như Hóc Môn, Củ Chi, anh và một người bạn đã gom tiền để đi mua đất.

"Thời điểm mua, một số người môi giới chào hàng miếng đất 300 m2 có 80 m2 thổ cư, ở xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) được chuyển nhượng với giá hơn 3 tỷ đồng. Biết giá cao, nhưng vì thời điểm trên nhiều người đi "săn" đất nên tôi đã xuống tiền mua. Nhưng chỉ 2 tháng sau, khi tôi muốn bán đi thì giá đất tại khu vực trên tụt thê thảm, miếng đất của tôi rao thấp hơn 200 triệu đồng so với giá mua nhưng vẫn không bán được", anh P. ngậm ngùi.

Khu liên cơ nghìn tỷ của Hà Nội: Lộ nhiều bất cập, kẻ đi - ai về?

Mới đây, thông tin 2 sở "ngồi chưa ấm chỗ" đã xin về trụ sở cũ khiến dư luận quan tâm.

Lộ phân khúc bất động sản bị sụt mạnh nhất, loạt nhà đầu tư chết đứng - 2

Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo về những khó khăn, vướng mắc tồn tại và đề xuất tiếp tục sử dụng trụ sở cũ để làm trụ sở làm việc.

Theo hiểu của phóng viên, lãnh đạo UBND TP Hà Nội mới đây từng chủ trì cuộc họp về công tác quản lý, sử dụng các khu liên cơ, trong đó có khu Võ Chí Công. Theo báo cáo của Sở Xây dựng tại cuộc họp này (tính đến tháng 2) đã có 7/8 sở ngành chuyển trụ sở về khu liên cơ (Sở Tài nguyên và Môi trường chưa chuyển).

Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ một loạt bất cập tại khu liên cơ nghìn tỷ này như: mô hình vận hành đầu tiên được thực hiện, hạ tầng kỹ thuật xung quanh trụ sở chưa tương thích với quy mô, công năng của các hạng mục công trình.

Ngoài ra một số đơn vị có chức năng, nhiệm vụ không phù hợp với mô hình làm việc tập trung trong liên cơ (nhiều khách giao dịch, phải tiếp dân với số đông tụ tập nhiều người, phải tổ chức nhiều cuộc họp liên tục...) nên đã phát sinh một số bất cập làm hạn chế hoạt động ảnh hưởng công tác chung của trụ sở. Hai trong nhiều sở ngành đó là Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo về những khó khăn, vướng mắc tồn tại và đề xuất tiếp tục sử dụng trụ sở cũ để làm trụ sở làm việc.

Bộ Xây dựng kiểm tra quản lý nhà và dự án bất động sản, 6 nơi vào tầm ngắm

Bộ Xây dựng vừa có quyết định kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về nhà ở và kinh doanh bất động sản tại 6 địa phương. Cụ thể đó là các tỉnh Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Bắc Giang.

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc tuân thủ pháp luật về quản lý, phát triển nhà ở. Trong đó, đối với nhà ở thương mại, đoàn kiểm tra của Bộ Xây dựng sẽ tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện so với chương trình, kế hoạch đề ra (tổng số dự án, tổng quy mô diện tích, số căn chia theo từng loại hình bất động sản như chung cư, thấp tầng, đất nền, nghỉ dưỡng…).

Ngoài ra còn các nội dung khác như sự phù hợp với chương trình, kế hoạch được duyệt; sự phù hợp với quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng (chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án, lựa chọn chủ đầu tư dự án, phê duyệt dự án…); việc huy động vốn của các dự án.

Dịch bệnh "bủa vây", môi giới bất động sản bỏ nghề đi làm shipper, bán hàng

Dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam đã khiến ngành bất động sản gặp nhiều khó khăn. Việc kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Việc cắt giảm nhân sự tại các công ty bất động sản đã khiến nhiều nhân viên môi giới phải đi tìm công việc mới phù hợp hơn.

Lộ phân khúc bất động sản bị sụt mạnh nhất, loạt nhà đầu tư chết đứng - 3
Công việc khác mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn nghề môi giới bất động sản trong hoàn cảnh hiện nay (Ảnh: Đại Việt).

Anh Trần Thanh Bình (ngụ quận Tân Phú, TPHCM), chia sẻ, anh vừa nghỉ việc tại một công ty bất động sản do không đạt doanh số trong 3 tháng liên tiếp.

Mức lương cơ bản 4 triệu đồng/tháng và tiền hoa hồng nhỏ giọt khiến anh không đủ trang trải các chi phí sinh hoạt. "Tôi đi làm shipper, giao hàng cho sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, tôi cũng lấy thêm hàng hóa, đồ ăn ở nhiều điểm kinh doanh online để giao cho khách. Mỗi ngày, tôi cũng kiếm được từ 300.000 - 350.000 đồng", anh Bình nói.