Đất hết sốt, nhiều nhà đầu tư "chết đứng"

Hiện tượng "thổi giá" đất đầu cơ, gây sốt ảo tại các vùng ven TPHCM đã làm méo mó thị trường bất động sản, gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư. Mới đây, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các cơ quan khẩn trương kiểm soát, chấn chỉnh vấn nạn trên.

Đất hết sốt, nhiều nhà đầu tư chết đứng - 1

Nhiều người "ăn ngủ không yên" vì nghe lời môi giới, trót ôm đất giá cao.

Thời gian qua, những thông tin từ việc mở đường, làm cầu, phân chia lại địa giới hành chính hay thành lập quận, huyện... vẫn luôn là "mồi ngon" cho giới đầu cơ tạo các cơn sốt nhà đất đánh vào tâm lý của người dân với mục đích kiếm lợi khủng.

Theo đó, sốt đất không chỉ diễn ra tại tỉnh Bình Phước (sau khi có đề xuất quy hoạch sân bay lưỡng dụng Téc-ních 500 ha), hay tỉnh Bình Dương (với thông tin quy hoạch sân bay Lai Khê) mà tại TPHCM cũng xảy ra điều này.

Khi đất hết sốt

Cụ thể, sau thông tin, Sở Nội vụ TPHCM có tờ trình UBND TPHCM về công tác chuẩn bị xây dựng Đề án chuyển đổi một số huyện thành quận hoặc thành phố giai đoạn 2021 - 2030, cơn sốt đất vùng ven đã bùng lên nhanh chóng.

Chỉ sau một đêm, giá đất tại các khu vực như Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè đã tăng đột biến đến mức chóng mặt. Giá đất tăng mỗi ngày càng cao, không có con số đo lường chính xác, tất cả phụ thuộc vào sự mặc cả, thống nhất giữa người mua và môi giới.

Dù giá đất tăng cao, nhiều người vẫn nhanh chóng tìm về các quận huyện để săn lùng đất tạo cơ hội cho cò đất hét giá.

Không khó để nhìn thấy cảnh tượng các bảng hiệu rao bán đất, cò đất tập trung thành từng nhóm đông trên khắp các nẻo đường ở các khu vực thành phố Thủ Đức, Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè,…

Anh Nguyễn Đông (kinh doanh tự do) cho biết, nghe thông tin Nhà Bè sẽ lên quận nên vội tin lời môi giới, xuống tiền mua mảnh đất tại xã Phước Kiểng với mức giá 65 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nếu mua vào thời điểm trước tết Nguyên đán thì giá đất tại đây chỉ dao động mức 50-55 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, với kỳ vọng trong thời gian tới giá đất sẽ còn tăng nữa nên anh Đông quyết tâm "ôm đất".

Đất hết sốt, nhiều nhà đầu tư chết đứng - 2

Các cơ quan khẩn trương kiểm soát tình trạng thổi giá, đẩy giá đất lên cao để thu lợi bất chính.

Anh Ngô Bảo P. (ngụ quận 12, TPHCM) cho biết, thời điểm cuối năm 2020, anh tìm hiểu nhiều thông tin trên mạng thì thấy sẽ triển khai nhiều đường vành đai, tuyến đường sắt nối khu vực trung tâm TPHCM với các huyện như Hóc Môn, Củ Chi, anh và một người bạn đã gom tiền để đi mua đất.

"Thời điểm mua, một số người môi giới chào hàng miếng đất 300 m2 có 80 m2 thổ cư, ở xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) được chuyển nhượng với giá hơn 3 tỷ đồng. Biết giá cao, nhưng vì thời điểm trên nhiều người đi "săn" đất nên tôi đã xuống tiền mua. Nhưng chỉ 2 tháng sau, khi tôi muốn bán đi thì giá đất tại khu vực trên tụt thê thảm, miếng đất của tôi rao thấp hơn 200 triệu đồng so với giá mua nhưng vẫn không bán được", anh P. ngậm ngùi.

Theo khảo sát của Công ty DKRA Việt Nam, giá đất tại huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn đã tăng đến 20% sau khi có thông tin các huyện này lên quận.

Tuy nhiên, phân khúc đất nền quý I/2021 thực chất chỉ biến động rất ít, không có giao dịch quy mô lớn. Đại diện đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường cho hay trong khi thông tin sốt đất, giá tăng với việc quy hoạch các huyện vùng ven lên quận hoặc các quy hoạch hạ tầng được quảng bá rầm rộ thì kết quả khảo sát cho thấy đây chỉ là sốt ảo và cục bộ.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Việt Nam chia sẻ: "Vừa qua, có nhiều thông tin về việc sốt đất nhưng trên thực tế, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy quý I năm nay, phân khúc đất nền khu vực TPHCM và vùng phụ cận chỉ biến động ít, tăng từ 2% - 5% so với quý IV/2020".  

Theo ông Hoàng, ngay sau thông tin lộ trình quy hoạch các quận vùng ven TPHCM lên quận được công bố, thị trường bất động sản có xôn xao nhưng chúng ta phải nhìn vào thực tế là giao dịch có xảy ra với mức giá đó hay không.

Khẩn trương giám sát

Trước tình trạng sốt đất ảo diễn ra tràn lan, mới đây UBND TPHCM đã ban hành văn bản số 1634/UBND-ĐT chỉ đạo khẩn cho các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất nhằm kiểm soát tình trạng thổi giá, đẩy giá đất lên cao để thu lợi bất chính.

Đất hết sốt, nhiều nhà đầu tư chết đứng - 3

Rao bán đất ở Cần Giờ không phải là hình ảnh hiếm thấy.

Theo đó, lãnh đạo thành phố giao Sở Xây dựng tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa vào kinh doanh, chuyển nhượng phải đủ các điều kiện theo quy định. UBND TPHCM cũng chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới tuân thủ đúng các quy định.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên Môi trường (TN-MT), Văn phòng đăng ký đất đai thành phố, UBND thành phố Thủ Đức và UBND các quận, huyện có trách nhiệm quản chặt các hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản.

Ủy ban cũng đề nghị các cơ quan quản lý xử lý nghiêm hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư.

Ngoài ra, thành phố cũng giao Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở TN-MT, UBND thành phố Thủ Đức và UBND các quận, huyện phải tiến hành công bố thông tin quy hoạch để người dân tiếp cận các nguồn tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất lên cao nhằm thu lợi bất chính.

Thành phố cũng yêu cầu Sở TN-MT có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Sở Tư pháp, Sở Thông tin Truyền thông, UBND thành phố Thủ Đức và UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản thông tin kịp thời về quy hoạch của địa phương để người dân hiểu và thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.

TPHCM yêu cầu đến trước ngày 31/5, Sở TN-MT sẽ làm đầu mối tổng hợp kết quả tổng rà soát diễn biến thị trường địa ốc, biến động giá đất và giao dịch bất động sản từ các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức để trình UBND TPHCM báo cáo Bộ TN-MT.

Trước đó, từ cuối tháng 3 đến tháng 4/2021, nhiều địa phương được cảnh báo có dấu hiệu sốt đất ảo cục bộ khiến các cơ quan quản lý tăng cường giám sát và công bố thông tin tại các điểm nóng này. Đến tháng 5/2021, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, các cơn sốt đất ảo đầu năm ở các tỉnh miền Bắc, Trung và Nam đã hạ nhiệt.