Lì xì cho trẻ em dịp năm mới tại Nhật Bản có gì đặc biệt?
(Dân trí) - Mỗi dịp năm mới, trẻ em Nhật Bản lại háo hức mong chờ nhận được tiền lì xì otoshidama từ cha mẹ, người thân, họ hàng. Tiền lì xì được đựng trong những chiếc phong bì có tên pochi bukuro.
Nguồn gốc của tập tục tặng lì xì otoshidama cho trẻ em dịp năm mới tại Nhật Bản bắt nguồn từ quan niệm dân gian rằng tiền trao cho trẻ em đồng thời cũng là để dâng lên các vị thần năm mới toshigami để cầu mong đứa trẻ được phù hộ trong năm tới.
Một truyền thuyết khác của tập tục lì xì otoshidama cho trẻ em bắt nguồn từ một nghi thức đạo Shinto dịp năm mới. Người Nhật dâng cúng những chiếc bánh gạo hình tròn có tên kagami mochi lên các vị thần năm mới. Sau đó, họ bẻ chiếc bánh gạo thành từng miếng nhỏ, bọc trong giấy, rồi phát cho các thành viên và người giúp việc trong gia đình. Đây được coi là nguồn gốc của truyền thống phát lì xì cho trẻ em ngày nay của người Nhật.
Ngoài ra, người Nhật còn có truyền thống tặng quà khi ghé thăm gia đình người thân, bạn bè đêm giao thừa có tên onenshi. Quà tặng cho trẻ em là những bao lì xì đựng tiền mừng tuổi otoshidama.
Tuy không có quy định cụ thể về số tiền mừng tuổi cho trẻ em, nhưng giữa các bậc phụ huynh vẫn có sự thỏa thuận ngầm khi phát otoshidama cho trẻ em. Người Nhật phân chia giá trị số tiền trong phong bao lì xì cho trẻ em theo độ tuổi, chẳng hạn 2.000 yen cho trẻ mầm non, 3.000 yen cho trẻ tiểu học, 5.000 yen cho trẻ trung học. Số tiền mừng tuổi cũng phụ thuộc vào mức độ thân sơ với đứa trẻ như cha mẹ mừng tuổi cho con cái hay cho người thân, hay con của bạn bè, đồng nghiệp.
Thông thường các bậc phụ huynh Nhật Bản sẽ yêu cầu con cái trích một phần tiền lì xì để tiết kiệm. Trẻ em xứ Phù Tang thường dùng tiền lì xì để mua đồ chơi, video game, hoặc những món đồ đắt tiền mà các em thích. Nhiều trẻ em Nhật Bản có thói quen tiết kiệm một phần số tiền mừng tuổi mà các em nhận được.