Lễ hội ngược dòng thời gian tái hiện lịch sử nghìn năm của cố đô Kyoto

PV

(Dân trí) - Jidai Matsuri - Lễ hội của các thời đại - tái hiện lại lịch sử huy hoàng của đất nước Nhật Bản với khoảng 2.000 người tham gia diễu hành.

Kyoto là cố đô nghìn năm lịch sử của đất nước Nhật Bản. Thành phố cổ kính này ẩn chứa trong mình chiều sâu văn hóa của đất nước mặt trời mọc, là hiện thân của Nhật Bản cổ xưa huyền thoại. 

Lễ hội ngược dòng thời gian tái hiện lịch sử nghìn năm của cố đô Kyoto - 1
Kyoto là cố đô nghìn năm lịch sử của đất nước Nhật Bản. Nguồn ảnh: Lonely Planet

Thành phố Kyoto, thuộc phủ Kyoto đã từng là kinh đô của Nhật Bản trong suốt hơn 1.000 năm với tên gọi là Heian. Đó là một giai đoạn lịch sử quan trọng, kể từ khi Thiên hoàng Kanmu (781-806) ban chiếu dời đô từ Nagaoka đến Heian vào ngày 22 tháng 10 năm 794, cho đến năm 1868 khi triều đình Minh trị  quyết định dời kinh đô về Edo - Tokyo hiện nay.

Lễ hội ngược dòng thời gian tái hiện lịch sử nghìn năm của cố đô Kyoto - 2
Lễ hội Jidai Matsuri tái hiện lịch sử của cố đô Kyoto Nhật Bản. Nguồn ảnh: Pinterest

Ngày 22/10/1895 lần đầu tiên lễ hội Jidai Matsuri được tổ chức tại Kyoto để kỷ niệm 1100 năm sự kiện dời đô đến Heian của Thiên hoàng Kanmu. Ý nghĩa ban đầu của lễ hội nhằm tôn vinh công lao của vị Thiên hoàng này với mảnh đất cố đô. Năm 1895 cũng là thời điểm đền Heian vừa được xây dựng xong. Sau thành công của lần tổ chức đầu tiên, Jidai Matsuri được tiếp tục tổ chức trong năm tiếp theo và trở thành một lễ hội thường niên nổi tiếng nhất Kyoto.

Lễ hội ngược dòng thời gian tái hiện lịch sử nghìn năm của cố đô Kyoto - 3
Lễ hội tái hiện lại một đoạn lịch sử huy hoàng của đất nước Nhật Bản. Nguồn ảnh: Flickr

Jidai Matsuri trong tiếng Nhật có nghĩa là "Lễ hội của các thời đại". Lễ hội tái hiện lại một đoạn lịch sử huy hoàng của đất nước Nhật Bản với khoảng 2000 người tham gia diễu hành. 

Thời gian diễn ra lễ hội bắt đầu từ 7h30 sáng tại đền Heian. Sau khi các nghi lễ tại đền kết thúc, linh hồn hai vị Thiên hoàng Kammu và Komei - lần lượt là những vị hoàng đế đầu tiên và cuối cùng trị vì ở Kyoto - tượng trưng cho sự thiêng liêng của thần linh, sẽ được rước lên kiệu Mikoshi. Cùng với đám rước thần, kiệu Mikoshi sẽ được khiêng đến cung điện Kyoto, là nơi sinh sống trước đây của Thiên hoàng.

Lễ hội ngược dòng thời gian tái hiện lịch sử nghìn năm của cố đô Kyoto - 4
Kiệu Mikoshi rước hai vị Thiên hoàng Kammu và Komei. Nguồn ảnh: Pinterest

Đám rước được chia thành các thời đại lịch sử khác nhau. Đứng đầu đoàn rước là các nhân vật lãnh đạo như thống đốc tỉnh Kyoto, thị trưởng thành phố Kyoto và chủ tịch hội đồng thành phố đứng đầu đoàn rước trên những chiếc xe ngựa từ những năm 1800, sau đó đến các nhân vật từ cuộc Duy tân Minh Trị năm 1868, và tiếp tục theo trình tự thời gian ngược lại cho đến đầu Thời kỳ Heian năm 781.

Lễ hội ngược dòng thời gian tái hiện lịch sử nghìn năm của cố đô Kyoto - 5
Biểu tượng công chúa thời xưa trong lễ hội. Nguồn ảnh: Family Travel Secrets

Những người tham gia diễu hành cũng mặc trang phục theo các giai đoạn của lịch sử Nhật Bản cũng như các nhân vật nổi tiếng. Tất cả như một bức tranh lịch sử sống động đưa người xem lần lượt trở về từng thời kỳ lịch sử của cố đô Kyoto.

Lễ hội ngược dòng thời gian tái hiện lịch sử nghìn năm của cố đô Kyoto - 6
Đám rước được chia thành các thời đại lịch sử khác nhau. Nguồn ảnh: Japanistry

Người xem có thể tận mắt nhìn thấy những binh sĩ và sĩ quan thời kỳ Sakamoto Ryoma, shogun còn gọi là mạc chúa - nhân vật cao cấp trong chế độ Nhật Bản xưa hay Oda Nobunaga - một daimyo trong thời kỳ Chiến Quốc. Từ công chúa, quý tộc đến những người phụ nữ thường dân tất cả đều được tái hiện trong lễ hội.

Lễ hội ngược dòng thời gian tái hiện lịch sử nghìn năm của cố đô Kyoto - 7
Tất cả như một bức tranh lịch sử sống động. Nguồn ảnh: Tokyobling's Blog

Đúng 12h, thần linh lại được rước lên kiệu trở về điện Heian. Toàn bộ tuyến đường của cuộc diễu hành trải dài tới 5 km, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Sự đầu tư nghiêm túc và tỉ mỉ trong việc tái hiện lịch sử của các nhà tổ chức lễ hội đã khiến cho lễ hội này được xem như một cuốn sách giáo khoa lịch sử chân thực và sinh động mang đến cho người tham dự sự trải nghiệm về quá khứ hào hùng của dân tộc Nhật Bản.

Lễ hội ngược dòng thời gian tái hiện lịch sử nghìn năm của cố đô Kyoto - 8

Jidai Matsuri là dịp để họ bày tỏ sự tôn kính tổ tiên, thần linh. Nguồn ảnh: Claudio Beffa

Đối với người dân Kyoto, Jidai Matsuri là dịp để họ bày tỏ sự tôn kính tổ tiên, thần linh, gửi gắm niềm tin, cầu mong thần linh ban cho mình một cuộc sống bình an, khỏe mạnh. Đồng thời, việc phục dựng và trình diễn các phong tục tập quán của các thời đại lịch sử trong lễ hội Jidai là một thông điệp rõ ràng về nhu cầu giữ gìn và phát triển văn hóa tâm linh gắn liền với chủ nghĩa dân tộc của người dân Nhật Bản.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm