Kinh nghiệm "sống sót" qua cơn sốt đất: Người vui vẻ chốt lãi non, kẻ tham lãi lớn tiếc nuối
Trong các phi vụ đầu tư, không ít người nhanh tay chốt lời cả vài trăm triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn. Nhưng cũng không ít nhà đầu tư non kinh nghiệm vì tham lãi lớn nên chần chừ, để rồi tiếc nuối mất cả vài trăm triệu đồng tiền lãi.
Chần chừ không bán, nhà đầu tư mất cả trăm triệu đồng tiền lãi
Trong những tháng đầu năm nay, giá đất tại hầu hết các tỉnh, thành phố được dịp "lên đồng". Một số nơi, chỉ trong thời gian ngắn giá đất đã tăng từ 50 - 100%. Tuy nhiên, khi cơn sốt hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa kịp thoát hàng. Đến nay, họ đành chấp nhận bán hòa vốn, thậm chí là "lỗ vốn".
Đơn cử, trường hợp của anh Thế Hưng (sinh sống tại Hà Nội) cho biết, với mức thu nhập khoảng 35 triệu đồng/tháng, sau 4 năm gia đình anh tiết kiệm được khoảng hơn 1 tỷ đồng.
"Một số người bạn của tôi họ có tài chính vững vàng nên đã lựa chọn đầu tư đất từ lâu, thấy mọi người cũng lãi rất nhiều. Sau khi có khoản tiền tiết kiệm 1 tỷ đồng thì tôi cũng bắt đầu nghĩ tới chuyện đầu tư", anh Hưng nói.
Đến tháng 1 năm nay, được một người bạn giới thiệu mảnh đất rộng 100 m2 với giá 1 tỷ đồng, vừa đủ với số tiền tiết kiệm của gia đình anh Hưng nên sau khi xem xét kỹ lưỡng về pháp lý, anh đã xuống tiền mua ngay.
Chỉ thời gian ngắn, cơn sốt điên cuồng tràn về Bắc Giang, khi đó mảnh đất của anh Hưng được trả giá 1,5 tỷ đồng, tức lãi 500 triệu đồng so với thời điểm xuống tiền. Tưởng rằng, cơn sốt sẽ kéo dài thì có thể lãi thêm được, do đó anh đã chần chừ không bán.
"Ban đầu tôi cứ nghĩ giá tăng nhanh thế này, để thêm một thời gian nữa có khi còn được thêm nhiều tiền hơn. Ai ngờ đến tháng 4, dịch bất ngờ ập tới, Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước nên hoạt động mua bán cũng dừng. Theo đó, mảnh đất của tôi cũng không bán được, nên tôi đành để lại", anh Hưng kể.
Anh Hưng cho biết, đến đầu tháng 7, do gia đình anh có việc gấp cần đến tiền nên anh đã rao bán mảnh đất đó. Tuy nhiên, có 5-6 người hỏi mua nhưng chỉ trả giá 1 tỷ đồng, vì cần tiền gấp nên anh Hưng cũng chấp nhận đành bán.
"Nếu bán ngay từ đợt sốt đất thì tôi còn lãi được 500 triệu đồng, nhưng do cứ nghĩ sẽ lãi thêm nữa nên không bán, cuối cùng thành ra tôi để thêm thời gian lại thành bán hòa vốn", anh Hưng tiếc nuối nói.
Có lãi là bán ngay
Khác với anh Hưng, anh Nguyễn Hải - nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, cuối năm 2020 anh xuống tiền mua 2 lô đất tại Văn Giang (Hưng Yên), có diện tích mỗi lô gần 90 m2, với giá 700 triệu đồng/lô.
Bước sang đầu năm nay, do có thông tin quy hoạch siêu dự án của tập đoàn có tiếng trong bất động sản, giá đất tại khu vực này tăng đột biến. Tận dụng cơ hội, anh Hải đã bán ngay cho một nhà đầu tư khác với mức giá 1,1 tỷ đồng/lô, tổng cả 2 lô đất anh lãi 800 triệu đồng so với thời điểm xuống tiền.
Nhiều nhà đầu tư ngậm ngùi bán cắt lỗ khi "sốt đất" đi qua. Ảnh chụp tại một dự án khu đô thị ở Bắc Giang khoảng tháng 7 vừa qua (Ảnh: Nguyễn Minh).
"Lúc xuống tiền đầu tư tôi có ý định sẽ để khoảng 2 năm sau thì bán. Thường bỏ tiền vào đất tỉnh thì muốn lãi ngay cũng khó, nhưng may mắn là tôi vừa mua xong thì có thông tin quy hoạch. Giá đất tăng nhanh nên tôi bán ngay", anh Hải vui vẻ nói.
Theo nhà đầu tư này cho biết, thực tế khi có sự đột biến về giá thì phải bán ngay, bởi lẽ thị trường luôn có sự tác động xấu không ai dự đoán được.
"Trước tới nay, mua đất ở đâu chỉ cần lãi 100-200 triệu đồng là tôi bán ngay. Chỉ trong thời gian ngắn mà lãi tiền trăm triệu là thắng to rồi. Thị trường khi đạt đỉnh thì sẽ có lúc phải xuống, điều này khó ai dự đoán được chính xác 100%", anh Hải nhận định.
Theo anh Thanh Tùng - môi giới bất động sản tại Hà Nội chia sẻ: "Không thiếu trường hợp nhà đầu tư sợ bán hớ nên dù lãi cả trăm triệu đồng vẫn từ chối không bán. Nhưng thường các cơn sốt đất vốn sẽ đi qua rất nhanh, khi mức giá đạt đỉnh thì chắc chắn sẽ phải xuống sâu. Cuối cùng, nhà đầu tư lại tỏ ra tiếc nuối vì bán hòa, thậm chí là lỗ vốn".
Anh Tùng cho biết, để chốt lãi cao nhất có thể, nhà đầu tư phải nhanh nhạy, dự đoán chính xác được thời điểm mua vào và bán ra, đây là yếu tố quan trọng cần đến kinh nghiệm theo dõi thị trường và thực chiến lâu năm mới có được.