Kiệt sức chống chịu, rao bán khách sạn tràn lan

Từ khi đợt Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh khách sạn đăng tin rao bán khách sạn ngày càng nhiều.

Từ các quận trung tâm TPHCM đến phố cổ Hà Nội; các thủ phủ du lịch như Đà Lạt, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Quảng Ninh…, nơi nào cũng thấy thông tin rao bán khách sạn với giá hạ.

Kiệt sức chống chịu, rao bán khách sạn tràn lan - 1

Không cầm cự được

Dịch Covid-19 kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay khiến ngành Du lịch kiệt quệ. Tại Hà Nội, TPHCM dễ dàng bắt gặp những biển rao bán khách sạn giá từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng/khách sạn. Đăng tin rao bán khách sạn tại phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) với giá 160 tỷ đồng, chị Nguyễn Thu Thủy cho biết, trước đây, chị bỏ ra gần 200 tỷ đồng mua khách sạn này, giờ dịch bệnh không có khách đành bán chịu lỗ.

Trước đó vào năm 2018, khi thấy được tiềm năng kinh doanh tại khu Tây Hồ, chị Thủy đã quyết định xuống vốn đầu tư. Thời gian trước khi xảy ra dịch, nhất là trong những mùa cao điểm du lịch, chị Thủy có thể đạt doanh thu từ kinh doanh khách sạn 350 - 400 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh ập đến tình hình kinh doanh khách sạn ảm đạm trong cả năm 2020 và kéo dài đến hiện tại. Dù đã nỗ lực cắt giảm mọi chi phí, giá phòng có thời điểm đã giảm tới 80% nhưng tình hình vẫn không khả quan. Vì vậy, chị Thủy quyết định bán khách sạn để thu hồi vốn, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.

Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 6 tháng đầu năm 2021, du lịch tiếp tục chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Ước tính số liệu khách du lịch nội địa đạt 30,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng ghi nhận trên những tuyến phố sầm uất của Hà Nội, thấy tuy giá phòng thuê khách sạn đã giảm kịch sàn song lượng khách đặt phòng rất ít hoặc gần như không có.

Trên trang Facebook của Công ty Thiên Minh đăng thông tin chào bán gần 20 khách sạn có giá từ vài chục tỷ đến gần 1.000 tỷ đồng tại TPHCM. Theo một nhân viên môi giới bất động sản của Công ty Thiên Minh, công ty có danh sách và thông tin tất cả khách sạn đang cần bán ở các tuyến đường Bùi Thị Xuân, Lê Thị Riêng, Bùi Viện, Lý Tự Trọng, Thi Sách... Đây là điều chưa từng xảy ra, vì ở những tuyến đường như Bùi Thị Xuân… trước năm 2020 gần như không có nhà nào được rao bán ra thị trường…

Một chủ khách sạn ở thành phố Nha Trang cũng rao bán khách sạn ở số 100 Trần Phú với giá 245 tỷ đồng. Theo chủ khách sạn này, việc rao bán là bất đắc dĩ, vì với giá 245 tỷ đồng, anh đã chịu lỗ rất nhiều so với vốn đầu tư ban đầu.

"Khách sạn tôi cất nóc cuối năm 2020, chuẩn 4 sao, nhưng do dịch ập đến không có khách thuê, trong khi tiền vay ngân hàng và tiền vay ngoài phải trả lãi. Đến nay, chúng tôi không "gồng" thêm được nữa, buộc phải rao bán nếu không sẽ phá sản. Giá đã giảm 25% nhưng vẫn khó bán, vì ít người bỏ số tiền lớn đầu tư vào khách sạn dịp này, trong khi tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại", vị này nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) cho hay, các doanh nghiệp du lịch ở thành phố này đang đứng trước nguy cơ phá sản. Từ khi Covid-19 xảy ra, Nha Trang vắng bóng khách du lịch, 95% khách sạn đóng cửa, 5% còn lại hoạt động chủ yếu là đăng ký làm cơ sở cách ly. Tình cảnh của hầu hết doanh nghiệp du lịch đều rất bi đát; nhiều chủ khách sạn không cầm cự được phải rao bán hàng loạt.

Không chỉ các khách sạn từ Bắc tới Nam, các homestay, nhà cổ cũng được rao bán rất nhiều.

Bán cắt lỗ cũng khó

Theo kênh thông tin của trang batdongsan.com, số lượng thông tin rao bán khách sạn tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, kênh thông tin này không thể xác định được các giao dịch đã đi đến bước nào và có thành công hay không, do không tham gia vào quá trình tương tác giữa bên mua và bán.

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam, chuyên gia lĩnh vực mua bán, sáp nhập cho biết, nhiều kế hoạch kinh doanh, đầu tư của chủ sở hữu khách sạn trong năm 2021 bị đổ bể do sự bùng phát của đợt dịch Covid-19.

"Hết đợt dịch thứ 3, nhiều chủ khách sạn đều kỳ vọng ngành du lịch sẽ sôi động trở lại, nhất là sau đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, họ mong chờ khá nhiều vào dịp hè năm nay. Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ 4 đã khiến nhiều chủ khách sạn buộc phải rao bán vì không còn chịu đựng được nữa", ông Cần nói.

Tại các địa phương nổi tiếng về kinh doanh du lịch như Hội An, Nha Trang, Đà Nẵng đã ghi nhận một vài giao dịch thành công. "Giá bán trên toàn thị trường nhìn chung giảm 20-25% so với năm 2019. Nhiều trường hợp khách sạn có giá dưới 100 tỷ đồng phải giảm đến 30%", ông Cần nói thêm.