Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn:

Kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho trong điều chỉnh quy hoạch

Trần Kháng

(Dân trí) - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh cần kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế "xin - cho", "lợi ích nhóm" trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

Xóa bỏ cơ chế xin cho trong điều chỉnh quy hoạch

Chiều nay (20/6), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Theo ông Nghị, qua 14 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị, 9 năm thi hành Luật Xây dựng, chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sống đã được nâng cao. Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho trong điều chỉnh quy hoạch - 1

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (Ảnh: Quohoi.vn).

Do đó, dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được xây dựng có mục đích tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. Đồng thời, luật này sẽ khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước…

Liên quan tới dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, ông Vũ Hồng Thanh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành luật này.

Ông Thanh cho rằng, nội dung xây dựng Luật cần làm rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, mối quan hệ của các quy hoạch…; phân định rõ vị trí, vai trò của các loại quy hoạch, các cấp độ quy hoạch, bảo đảm sự liên kết, khớp nối, tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn về nội dung giữa các quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực, khó khăn cho công tác quản lý, tạo rào cản đối với các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh cần kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế "xin - cho", "lợi ích nhóm" trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án chậm triển khai trên thực tế.

Đồng thời, dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn cần thực hiện phân cấp và phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, quản lý quy hoạch đô thị nông thôn; tăng cường vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương phù hợp với năng lực, nguồn lực thực hiện, gắn với đề cao trách nhiệm kiểm soát, giám sát, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương.

Dự án luật hướng tới cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị nông thôn đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo hiệu quả sử dụng đất đai

Về một số nội dung lớn của dự thảo luật, theo ông Thanh, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, với tính chất của quy hoạch chung đô thị là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tỉnh và được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đối với các thành phố trực thuộc trung ương chỉ lập một loại quy hoạch là phù hợp.

Kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho trong điều chỉnh quy hoạch - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (Ảnh: Quochoi.vn).

Cũng theo ông Thanh, một số ý kiến đề nghị rà soát, loại bỏ nội dung của quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương trùng lắp với quy hoạch tỉnh. Đồng thời, không đưa quy hoạch chung đô thị đối với các thành phố trực thuộc trung ương thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

Ông Thanh cũng cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở điều chỉnh tỷ lệ bản đồ đối với quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương từ tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/50.000 theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 xuống tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/10.000 theo quy định của dự thảo Luật.

Về rà soát, điều chỉnh cục bộ quy hoạch, ông Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần cụ thể hóa hơn quy định tại dự thảo Luật yêu cầu về "không gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội". Nghiên cứu theo hướng xác định hệ quy chiếu là mật độ cư trú, quy mô, mật độ dân số của khu vực đã có quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Bởi theo ông Thanh, có ý kiến đề nghị, theo chiều ngược lại, phải có quy định để bảo đảm yêu cầu sử dụng đất đai có hiệu quả, bảo đảm các thông số chung của quy hoạch phân khu, quy hoạch chung đã duyệt cho riêng khu vực quy hoạch; thực tế có trường hợp xin điều chỉnh chuyển loại hình nhà ở từ chung cư sang loại hình ở thấp tầng, nhà biệt thự dẫn tới sử dụng đất đai không hiệu quả.

Ông Thanh cũng cho rằng, cần quy định rõ tại dự thảo Luật trường hợp điều chỉnh cục bộ quy hoạch có bao gồm cả trường hợp dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch cấp trên không; nếu có thì trong phạm vi và với mức độ như thế nào, thực hiện quy trình điều chỉnh quy hoạch cấp trên trước, hay thực hiện song song quy trình điều chỉnh.