Khu ký túc xá sinh viên nghìn tỷ đồng dở dang tại Hà Nội sắp được giải cứu
(Dân trí) - TP Hà Nội sẽ dành khoảng hơn 220 tỷ đồng để hoàn thành, điều chỉnh 2 tòa nhà ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) thành nhà ở xã hội cho thuê.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 của UBND TP Hà Nội mới phê duyệt, Hà Nội dự kiến phát triển hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội với tổng nguồn vốn khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là hơn 280 tỷ đồng.
Đáng chú ý, TP Hà Nội sẽ dành khoảng hơn 220 tỷ đồng để hoàn thành, điều chỉnh các hạng mục nhà A2, A3 thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (gọi tắt là ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp) tại quận Hoàng Mai thành nhà ở xã hội cho thuê, chuẩn bị đầu tư hạng mục nhà A4 thành nhà ở xã hội cho thuê tại dự án này.
Theo tìm hiểu, dự án ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp có quy mô 6 tòa nhà. Tổng mức đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách là khoảng 1.900 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 10/2009, dự kiến hoàn thành sau 20 tháng. Mục đích của dự án là hỗ trợ chỗ ở cho sinh viên và được kỳ vọng sẽ cung cấp nơi ở cho khoảng 22.000 sinh viên.
Theo thiết kế, mỗi phòng rộng hơn 50m2, được trang bị đầy đủ thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa… Quy định suất đầu tư dành cho 8 người/phòng, với giá thuê là 205.000 đồng/người/tháng, chưa bao gồm giá điện, nước.
Năm 2015, 3 tòa nhà A1, A5 và A6 thuộc dự án này đã hoàn thành. Tuy nhiên, việc thi công 3 tòa còn lại sau đó đã gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, nhà A4 chưa thi công do thiếu mặt bằng, nhà A2, A3 chưa hoàn thiện và hiện nay đã dừng triển khai ở phần xây thô.
Theo ghi nhận của Dân trí, hiện nay, 2 tòa nhà A2, A3 thuộc dự án ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp đang dở dang ở phần thô và bỏ hoang nhiều năm qua.
Hiện trạng các công trình này là xây dựng xong phần thô và sau nhiều năm bỏ hoang, cũng đã rêu mốc, xuống cấp.
Do các công trình không được xây dựng hoàn thiện dẫn tới cả khu vực này đang bị bao phủ bởi cây cối um tùm, cỏ dại mọc cả lên công trình.
Nhiều người dân sống khu vực này cho biết, dự án không hoàn thiện và đưa vào sử dụng khiến cả khu vực dở dang, nhếch nhác. Các công trình bị bỏ hoang, theo họ, trông thực sự xót xa, lãng phí.
Trước đó, nhằm tháo gỡ khó khăn tại dự án này, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất tách hạng mục nhà A4 khỏi dự án đồng thời cho phép chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội để bán và cho thuê bằng hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, do tắc về cơ chế, vướng mắc pháp lý về đầu tư, quy hoạch, vốn... nên đề xuất phải dừng lại. Hệ lụy là nhiều khối nhà cao chọc trời, mới xây xong phần thô tiếp tục phơi nắng, mưa.
Bên cạnh 2 tòa nhà A2, A3 đang bỏ hoang, các tòa nhà đã được đưa vào sử dụng tại dự án ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp cũng đang bị bỏ trống, để hoang hóa sau thời gian được trưng dụng làm khu cách ly phòng chống dịch Covid-19.
Theo đánh giá của giới chuyên gia quy hoạch, việc thiếu hạ tầng kỹ thuật, xã hội khiến các khu nhà ở hay khu đô thị không thể thu hút người dân đến sinh sống là bài học trong quản lý quy hoạch và phát triển nhà ở theo kế hoạch.
Việc chuyển đổi từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội là ý tưởng đúng. Chủ trương đã có từ lâu nhưng việc thực hiện còn chậm. Bên cạnh những vướng mắc về các quy định liên quan thì một nguyên nhân quan trọng khác có thể là do các bên liên quan chưa thật rốt ráo và quyết tâm trong việc thực hiện.