Khai thông “long mạch” sông Cổ Cò: Đánh thức tiềm năng du lịch và bất động sản Quảng Nam-Đà Nẵng

(Dân trí) - Được sự hỗ trợ của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng quyết tâm nạo vét, khai thông sông Cổ Cò trong năm 2020. Qua đó hình thành chuỗi đô thị du lịch dịch vụ ven con sông này, thiết lập tuyến giao thông thủy Hội An - Điện Bàn - Đà Nẵng và ngược lại.

Kí ức của người dân ven sông

Sông Cổ Cò nối Cửa Đại (TP Hội An) với cửa Hàn Thành phố Đà Nẵng, tên gọi trước đây là Lộ Cảnh Giang. Nơi đây một thời thuyền buồm ngược xuôi tấp nập, trên bến dưới thuyền, từng là Trung tâm mậu dịch quốc tế của xứ Đàng Trong.

Khai thông “long mạch” sông Cổ Cò: Đánh thức tiềm năng du lịch và bất động sản Quảng Nam-Đà Nẵng

Nhiều đoạn sông Cổ Cò qua địa phận thị xã Điện Bàn bị bồi lắng

Sông Cổ Cò trở thành đường thủy quan trọng, thuận tiện nhất giữa Đà Nẵng và Hội An. Sự bồi lấp của sông Cổ Cò từ cuối thế kỷ XIX đã làm cho con sông này chỉ còn một đoạn ngắn. Phương án nạo vét sông Cổ Cò đang được chính quyền và ngành chức năng TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam gấp rút triển khai.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho hay ý tưởng khai thông sông Cổ Cò có từ năm 1995. Ông ví von: “Về mặt phong thủy cần phải khai thông dòng sông này, như con người muốn mạnh khỏe thì huyết mạch phải thông suốt”.

Khai thông “long mạch” sông Cổ Cò: Đánh thức tiềm năng du lịch và bất động sản Quảng Nam-Đà Nẵng

Một đoạn sông Cổ Cò qua phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn bị thu hẹp

Ông Đoàn Văn Giảng (ở khối phố Quảng Lăng B, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã gắn bó với con sông này từ tuổi thơ với bao kỷ niệm. Cách đây hơn nửa thế kỷ, dòng sông cũng đã bị bồi lấp nhiều đoạn, nhưng khúc sông chảy qua nhà ông vẫn còn nguyên.

Vào mùa hè, nước sông trong veo, mát lạnh, ông Giảng cùng đám bạn trong thôn cởi trần nhảy xuống tắm. Khi đó, người dân trong làng thường xuống sông bắt cua, cá, vào ra Cửa Đại, Cửa Hàn...

Sau ngày giải phóng, đoạn sông này bị bồi lấp dần cho đến khi trở thành vùng bãi bồi rộng lớn. Người dân trong làng chia nhau từng khoảnh đất để trồng rau, màu. Dần dà, đất có chủ. Dòng sông chỉ còn lại trong ký ức của những người lớn tuổi. Ai cũng thấy tiếc nuối kỷ niệm một thời, mong mỏi một ngày nào đó sông Cổ Cò được khơi thông.

Khai thông “long mạch” sông Cổ Cò: Đánh thức tiềm năng du lịch và bất động sản Quảng Nam-Đà Nẵng

Sông Cổ Cò đoạn giáp giữa thị xã Điện Bàn và TP Hội An

“Dòng sông chỉ còn lại trong ký ức của những người lớn tuổi. Ai cũng thấy tiếc kỷ niệm một thời. Chúng tôi mong chờ một ngày nào đó sông Cổ Cò được khai thông, hồi sinh”, ông Đoàn Văn Giảng chia sẻ và cho hay ở các vùng đất ven sông Cổ Cò như An Bàng, Trà Quế (TP Hội An), nhờ sông mà người dân phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ, cuộc sống khấm khá.

Ông Giảng cũng cho rằng, "nếu khai thông được dòng sông Cổ Cò, tàu thuyền đưa khách du lịch qua lại thì tốt quá". Tuổi già như ông không nói làm gì nhưng lớp trẻ, lớp cháu của ông chắc chắn được hưởng lợi lớn từ phát triển du lịch, dịch vụ đường sông. Đó là chưa kể, hai bên bờ được quy hoạch, phát triển đô thị và không gian du lịch cộng đồng, tạo nhiều điểm đến thì đời sống người dân sẽ thay đổi.

Mong chờ sông Cổ Cò hồi sinh

Ông Phạm Quang Cường, nguyên Bí thư phường Điện Dương cho rằng, nếu dự án nạo vét sông Cổ Cò được triển khai thì đó là điều đáng mừng cho nhiều địa phương chứ không riêng gì bà con Điện Dương. Năm 1997, khi tách tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, chính quyền Điện Bàn cũng kiến nghị nên sớm khai thông dòng sông này nhưng do kinh phí lúc đó có hạn nên chậm trễ đến bây giờ.

Khai thông “long mạch” sông Cổ Cò: Đánh thức tiềm năng du lịch và bất động sản Quảng Nam-Đà Nẵng

Nhiều đoạn sông Cổ Cò đã được nạo vét, các khu đô thị ven sông Cổ Cò hiện đang được xây dựng đồng bộ hạ tầng

Ông Cường chia sẻ: “Hiện nay chúng ta tập trung khai thông sông Cổ Cò thì đó là điều rất đáng mừng. Bà con ở hai bên bờ sông, nơi có dự án đi qua chắc chắn sẽ ủng hộ để dự án triển khai càng sớm càng tốt. Lúc đó, Điện Dương trở thành vùng trọng điểm du lịch. Đoạn sông chảy qua địa bàn phường giống như gạch nối giữa TP Đà Nẵng với TP Hội An”.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Hội An cho rằng, hiếm có nơi nào ở Việt Nam lại có dòng sông chạy song song với bờ biển. Điều khác lạ nữa là dòng sông Cổ Cò chảy từ Nam ra Bắc, nghĩa là khởi nguồn từ Hội An đưa nước ra sông Hàn theo chế độ thủy triều, nên đây là vùng nước lợ, dòng chảy bình lặng, phù hợp cho các hoạt động du lịch, dịch vụ sông nước.

Ông Nguyễn Sự nói: “Nếu chúng ta khai thông được dòng sông Cổ Cò thì giữa Quảng Nam và Đà Nẵng không chỉ là đường bộ mà thêm một tuyến giao thông đường sông rất thuận tiện cho việc phát triển du lịch, dịch vụ, đồng thời, tạo ra sự phát triển đồng đều dọc tuyến sông này, nhất là đoạn từ Non Nước trở vào. Sau này, khách du lịch có thể đi bằng thuyền trên sông để thưởng ngoạn vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này”.

Khai thông “long mạch” sông Cổ Cò: Đánh thức tiềm năng du lịch và bất động sản Quảng Nam-Đà Nẵng

Ông Lê Trí Thanh (đứng giữa) - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - kiểm tra sông Cổ Cò để chuẩn bị cho việc nạo vét

Ông Nguyễn Sự cũng cho rằng một khi dự án nạo vét sông Cổ Cò hoàn thành sẽ giúp giảm áp lực giao thông đường bộ cho cả Quảng Nam và Đà Nẵng. Tương lai nhiều gia đình có thể sắm canô làm phương tiện đi lại trên sông Cổ Cò để ra Đà Nẵng hoặc vào Hội An. Rồi có thể ngược dòng Thu Bồn, Vu Gia để khám phá những cảnh đẹp ở miền sơn dã. Ông cũng đề nghị phải nâng tầm quy hoạch, đầu tư các đô thị ven sông hiện đại, không biến sông Cổ Cò sau nạo vét, khai thông thành con kênh… Cổ Cò!

Thông “long mạch”, sông Cổ Cò sẽ hồi sinh!

Ông Phan Quốc Nhân - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại dịch vụ An Dương cho rằng, định hướng phát triển không gian đô thị Đà Nẵng về hướng Đông-Nam, trong đó có việc ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nạo vét dòng sông Cổ Cò để khai thác nhiều loại hình dịch vụ du lịch, tạo nên quần thể du lịch đa dạng với nhiều loại hình resort ven bờ sông, tham quan, nghỉ dưỡng, du thuyền.

Trong khi đó, phía Quảng Nam cũng đang hướng đến việc phát triển du lịch hiện đại với du lịch truyền thống; trong đó, sông Cổ Cò có vị trí chiến lược trong việc đa dạng hóa loại hình du lịch trải nghiệm.

Ông Phan Quốc Nhân cho biết, hiện Công ty TNHH xây dựng và thương mại dịch vụ An Dương đang triển khai các dự án với hàng chục ha tiếp giáp sông Cổ Cò. Các dự án do đơn vị triển khai góp phần rất lớn tạo ra sự đồng bộ hạ tầng giao thông; hơn nữa bố trí, sắp xếp lại dân cư, chỉnh trang đô thị, góp phần tạo nên cảnh quan cho khu dân cư cũng như quá trình đô thị hóa khu vực nông thôn Điện Bàn.

Ông Nguyễn Đạt - Phó Chủ tịch thị xã Điện Bàn khẳng định, dự án nạo vét sông Cổ Cò là dự án có tính chất liên kết, liên vùng. Dự án này sau khi được nạo vét thông thương giữa Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ tạo ra vệt dân cư, đô thị dọc hai bên bờ sông.

Ông Đạt cho rằng, khi sông Cổ Cò được nạo vét, giao thông đường thủy cũng như du lịch, dịch vụ, thương mại sẽ phát triển tốt hơn; điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội thị xã Điện Bàn theo hướng công nghiệp- thương mại-dịch vụ ở phía đông của thị xã. Hiện trên 82% lao động trên địa bàn làm trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

“Dự án nạo vét sông Cổ Cò kết nối với các dự án đô thị ven sông, ven biển của thị xã Điện Bàn và TP Hội An góp phần rất lớn tạo nên chuỗi đô thị liên hoàn kề biển liền sông nối phía bắc tỉnh Quảng Nam với phía nam TP Đà Nẵng”, ông Nguyễn Đạt nói.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc triển khai nạo vét sông Cổ Cò thể hiện quyết tâm chính trị của địa phương và lãnh đạo tỉnh đã quy hoạch toàn bộ khu vực ven sông Cổ Cò để phát triển đô thị, dịch vụ du lịch. Vấn đề còn lại là sẽ nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và hạn chế đến mức thấp nhất những bất cập từ dự án này.

Trước mắt, tập trung rà soát lại toàn bộ hạ tầng hai bên sông như cầu qua sông, phát triển đô thị hai bên sông, đánh giá tác động môi trường. “Chúng ta phải kiểm soát trở lại để khớp nối với phía Đà Nẵng. Tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch toàn bộ khu vực ven sông Cổ Cò để phát triển đô thị, không sản xuất nông nghiệp tại đây. Như vậy, sông Cổ Cò bây giờ không còn mang trong mình trọng trách đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp như trước đây”, ông Lê Trí Thanh phát biểu.

Theo định hướng phát triển, sông Cổ Cò có vai trò quan trọng không chỉ về mặt cảnh quan mà còn thúc đẩy phát triển đô thị, du lịch nghỉ dưỡng. Nhiều khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, biệt thự ven sông, làng du lịch cộng đồng sẽ sớm được hình thành dọc theo 28 km đường sông.

Theo BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, sông Cổ Cò dài 28 km (trong đó đoạn qua Quảng Nam dài 19,7 km), được thực hiện bởi 2 dự án gồm dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (TP Hội An) dài 14 km và xây dựng cầu Nghĩa Tự, cầu ông Điền.

Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hội An, gồm 5 dự án thành phần. Trong đó có thành phần nạo vét sông Cổ Cò dài 5,7 km và xây dựng mới cầu vượt sông Cổ Cò.

BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay, trên địa bàn thị xã Điện Bàn đã hoàn thành công tác kiểm kê, xác nhận nguồn gốc đất 468 của hộ với 1.057 thửa.

Tại TP Hội An, việc thu hồi đất dự án chủ yếu là đất nuôi trồng thủy sản và một ít đất lúa thuộc xã Cẩm Hà, số hộ ảnh hưởng là 38 hộ, 44 thửa. Hiện công tác kiểm định, đền bù, giải phóng mặt bằng hai bên sông Cổ Cò đang được triển khai.

Công Bính