Khách hàng rót 600 tỷ vào Cocobay Đà Nẵng: Tôi vẫn "mắc kẹt" ở dự án này
(Dân trí) - Ông Mai Huy Tân, khách hàng lớn nhất đã rót gần 600 tỷ đồng vào Cocobay Đà Nẵng chia sẻ hiện ông và nhiều chủ sở hữu vẫn "mắc kẹt" tại dự án này.
Thời gian qua, thị trường condotel tại nhiều địa phương cả nước tương đối ảm đạm, được cho là do tác động của đại dịch Covid-19.
Theo ghi nhận, cận Tết Nguyên đán, nhiều mẩu tin rao bán, bán cắt lỗ condotel xuất hiện trên các diễn đàn bất động sản. Phần lớn những condotel được rao bán này là căn cũ, được bàn giao giai đoạn 2017-2018. Vậy "vận động" của condotel tại các địa phương, đặc biệt tại các dự án lớn, đang như thế nào?
Năm 2019, dư luận từng xôn xao trước vụ "vỡ trận" cam kết lợi nhuận tại dự án Cocobay Đà Nẵng - một trong những dự án condotel có quy mô lớn nhất thị trường. Đến nay, các chủ sở hữu đã đưa condotel tại dự án này vào vận hành ra sao, kết quả như thế nào.
Sau 2 năm, vụ việc tạm thời lắng xuống. Nhưng trên thực tế, một số chủ sở hữu vẫn loay hoay trong câu chuyện giải quyết quyền lợi với chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc tự vận hành condotel của các chủ sở hữu cũng gặp không ít vấn đề vì hiện nay họ chưa nhận được sổ đỏ.
Ông Mai Huy Tân, người đầu tư gần 600 tỷ đồng vào dự án Cocobay Đà Nẵng và cũng là khách hàng lớn nhất của dự án, chia sẻ với Dân Trí: "Tôi vẫn "mắc kẹt" ở dự án này. Ngẫm ra, tôi bị chủ đầu tư cho ăn "bánh vẽ" rất nhiều rồi".
Theo ông Tân, cuối năm 2020, ông và 17 chủ sở hữu khác đã họp 2 lần với chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Công ty Thành Đô) để thống nhất giải quyết các vướng mắc. Tuy nhiên, đến giờ các cam kết của chủ đầu tư vẫn chưa được thực hiện.
Khách hàng này đề cập 2 vấn đề. Thứ nhất, chủ đầu tư cam kết hết tháng 1/2020 sẽ có sổ đỏ nhưng "đến giờ vẫn chưa thấy đâu". Thứ hai, chủ đầu tư thỏa thuận hứa sẽ bàn giao tài sản cho ông Tân cùng 17 chủ sở hữu khác để họ có thể tự vận hành khai thác. Tuy nhiên, đến bây giờ vẫn chưa thể "chốt" được vì theo lời khách hàng này thì "chủ đầu tư đưa ra những yêu cầu quá vô lý".
Ông Tân cho biết, ông đã đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng với 42 bất động sản, trong đó có 8 biệt thự Nam An Retreat, 24 tòa khách sạn Boutique Hotel 7 tầng và 10 căn hộ condotel. Chủ đầu tư cam kết 10 condotel loại lớn (do chưa xây dựng xong) sẽ đổi sang 1 boutique hotel (20 phòng ngủ).
Boutique hotel là phần lõi dự án của Cocobay và phần này đang bàn giao 90 tòa, nằm trên 9 block. Một block có 10 tòa với tên gọi "Tòa nhà ở liền kề cao cấp hoàng gia". Một khối boutique hotel thì chung hành lang, chung thang máy. Vì vậy, muốn đưa vào kinh doanh, các chủ sở hữu phải được bàn giao thang máy…
"Chúng tôi yêu cầu dồn chủ sở hữu vào để bàn giao 1 khối. Bây giờ họ bàn giao nhà không rồi đòi trả tiền thang máy. Họ nói thang máy không phải của chủ sở hữu nào mà của họ. Chúng tôi không đồng ý, làm gì có chuyện bàn giao nhà mà không bàn giao thang máy", ông Tân chia sẻ.
"Thực sự là quá lằng nhằng! Tôi đang chịu thiệt hại rất lớn trước sự lằng nhằng đó. Mấy trăm tỷ đồng bỏ ra mà giờ vẫn chưa được bàn giao bất kỳ cái gì. Ngẫm ra chúng tôi bị chủ đầu tư cho ăn "bánh vẽ" rất nhiều. Chúng tôi - các chủ sở hữu đang "mắc kẹt" tại Cocobay nói với nhau "đừng nghe Thành Đô nói hãy xem Thành Đô làm'", ông Tân chia sẻ.
Theo lời ông Tân, ông cùng 17 chủ sở hữu khác tại dự án Cocobay Đà Nẵng tính phương án sau khi nhận bàn giao sẽ hợp tác với một bên nước ngoài để vận hành. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì những chủ sở hữu này sẽ kinh doanh vì từng người riêng lẻ thì khó mà vận hành được.
"Chúng tôi thống nhất hết với nhau rồi, chỉ chờ phía Thành Đô bàn giao sổ đỏ. Chỉ khi có những pháp lý đầy đủ, chúng tôi mới có thể làm việc được với các đối tác nước ngoài. Hơn 600 tỷ đồng tôi bỏ ra, tiền lãi một năm là 34 tỷ đồng. Thực sự quá khổ tâm", ông Tân chia sẻ.
Trao đổi với Dân Trí, đại diện Công ty Thành Đô, chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng, cho biết, đối với việc bàn giao tài sản và sổ đỏ cho Công ty Nhịp Cầu Việt - Đức (ông Mai Huy Tân làm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nhịp cầu Việt - Đức, thông qua công ty này đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng), hai bên đã có các cuộc họp ngày 11/12/2020, ngày 31/12/2020 và ngày 15/1/2021 để thống nhất các nội dung về bàn giao tài sản
Theo đại diện chủ đầu tư, dự kiến trong tháng 1/2021, việc bàn giao hiện trạng tài sản sẽ thực hiện. Tuy nhiên, gia đình chủ sở hữu có việc bận và sau đó vướng vào Tết Nguyên Đán, dịch Covid-19 nên công việc đang bị chậm lại.
Còn về công tác nhận bàn giao, phía Thành Đô sẽ bàn giao tài sản cho Nhịp cầu Việt - Đức theo hợp đồng mua bán và có thu thêm phần chênh lệch diện tích (có quy định nội dung trong hợp đồng). Với phần diện tích chủ đầu tư không bán, nếu Nhịp cầu Việt - Đức có nhu cầu mua, Thành Đô sẽ bàn giao.
"Nếu không có nhu cầu thì chủ đầu tư sẽ giữ lại. Phần thang máy và diện tích sảnh là phần sử dụng chung không bên nào được quyền thu thêm tiền (kể cả chủ đầu tư)", đại diện chủ đầu tư cho hay.
Tuy nhiên, ông Tân nói việc chậm trễ trên không phải do ông và các chủ sở hữu. "Chủ đầu tư đưa ra những ý kiến phi lý, vẫn chưa thống nhất được việc bàn giao tài sản thì tôi vào đó làm gì cho mất công. Khi nhận bàn giao cũng phải là lúc có sổ đỏ rồi thì tôi và các chủ sở hữu khác mới đưa vào vận hành được", ông Tân nói.
Liên quan đến câu chuyện tách sổ đỏ, theo đại diện chủ đầu tư, trong tháng 1/2021, công ty đã hoàn tất hồ sơ tách sổ (hồ sơ đủ điều kiện để tách sổ cho từng cụm công trình) và nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng để thực hiện. Công ty vẫn đang đợi thực hiện việc tách sổ cho các bất động sản này.