Huy động vốn trái phiếu, doanh nghiệp bất động sản chịu lãi suất cao ngất ngưởng
(Dân trí) - Bất động sản là lĩnh vực kinh doanh yêu cầu vốn lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro nên lãi suất trái phiếu bất động sản thuộc nhóm cao nhất.
Công ty Chứng khoán SSI vừa có báo cáo tổng quan phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thấy, sự sôi động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2018 tiếp tục được duy trì trong những tháng đầu nay.
Căn cứ thông tin phát hành riêng lẻ trên HNX và công bố thông tin của các doanh nghiệp, SSI ước tính trong 8 tháng đầu năm 2019 tổng lượng chào bán là 129.016 tỷ đồng và lượng phát hành là 117.142 tỷ đồng, tỷ lệ phát hành thành công toàn thị trường là 90,8%, quy mô thị trường tăng mạnh lên mức khoảng 10,2% GDP.
Chủ thể phát hành lớn nhất vẫn là các ngân hàng thương mại với tổng giá trị phát hành là 56.060 tỷ đồng (chiếm 47,9%); tiếp đó là các doanh nghiệp bất động sản phát hành 36.946 tỷ đồng (chiếm 31,5%); các doanh nghiệp phát triển hạ tầng phát hành 9.207 tỷ đồng (chiếm 7,9%)...
Ngân hàng cũng là nhóm có tỷ lệ phát hành thành công cao nhất (99,6%), ngoại trừ Seabank có 2 lô phát hành ngày 8/5 và 19/6/2019 là 1.000 tỷ đồng và 900 tỷ đồng không bán hết.
Đáng chú ý, nhóm bất động sản có 44 doanh nghiệp chào bán trái phiếu qua 139 đợt chào bán với 47,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được chào bán nhưng chỉ có 36.146 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được phát hành, tương đương tỷ lệ 77,3% - mức thấp nhất trong các nhóm.
Tính bình quân gia quyền theo giá trị phát hành trong 8 tháng đầu năm 2019, lãi suất trái phiếu trung bình là 8,3%/năm và kỳ hạn trái phiếu bình quân là 3,4 năm.
Nếu loại trừ nhóm ngân hàng, mức lãi suất bình quân các nhóm còn lại là 9,72%/năm, trong đó cao nhất là lãi suất trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (10,01%/năm), rồi đến nhóm phát triển hạ tầng (9,79%/năm); nhóm định chế tài chính (8,64%/năm).
Chỉ có 4 doanh nghiệp bất động sản huy động được trái phiếu có lãi suất từ 8% trở xuống; nếu loại trừ các khoản này, lãi suất huy động bình quân của nhóm bất động sản tăng lên 10,3%/năm.
Kỳ hạn bình quân cao nhất thuộc về nhóm phát triển hạ tầng (4,4 năm). Ngược lại, trái phiếu của các Công ty chứng khoán hầu hết có kỳ hạn ngắn từ 1-2 năm khiến kỳ hạn bình quân của nhóm định chế tài chính là ngắn nhất (1,8 năm).
Theo đánh giá của SSI, mức lãi suất phù hợp với mức độ rủi ro và hầu hết không nhỉnh hơn nhiều so với lái suất cho vay. Trong khi đó, bất động sản là lĩnh vực kinh doanh yêu cầu vốn lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bản thân các ngân hàng thương mại cũng phải áp hệ số rủi ro 50% với cho vay đảm bảo bằng nhà ở, quyền sử dụng đất; 200% với cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản (theo thông tư 36) và hệ số này còn tăng lên cao hơn nữa trong dự thảo thông tư thay thế.
"Rủi ro cao hơn nên lãi suất trái phiếu bất động sản thuộc nhóm cao nhất cũng là điều dễ hiểu", báo cáo nêu.
Phương Dung