Hồng Kông đối mặt với khủng hoảng nhà đất tồi tệ nhất trong lịch sử

Thảo Lê

(Dân trí) - Quá trình tư nhân hóa mạnh mẽ đang khiến cuộc khủng hoảng nhà ở tại Hồng Kông ngày càng tồi tệ.

Nhà ở giá phải chăng đang trở thành “gót chân Asin” ở các thành phố trên toàn thế giới, nhưng không nơi nào tồi tệ hơn Hồng Kông.

Mức thu nhập không theo kịp giá nhà ở và chi phí sinh hoạt tăng cao càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế xã hội ở Hồng Kông. Hơn bao giờ hết, giải quyết khủng hoảng nhà ở là vấn đề then chốt trong việc đảm bảo an ninh cho thành phố.

Hồng Kông đối mặt với khủng hoảng nhà đất tồi tệ nhất trong lịch sử - 1
Nhà lồng, nhà quan tài thậm chí cũng đang dần trở nên xa xỉ với nhiều người dân Hồng Kông. Ảnh: Getty Images.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí nghiên cứu Asian Affairs, cựu sĩ quan Cảnh sát Hoàng gia Hồng Kông Martin Purbrick cho hay nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc biểu tình hồi năm ngoái là do sự bất bình của người dân với chi phí và khả năng tiếp cận nhà ở.

Tổng giá thuê nhà tại Hồng Kông đã giảm trong năm qua, nhưng cuộc sống của người nghèo vẫn không được cải thiện. Vào tháng 8, giá thuê trung bình cho một chỗ ngủ có diện tích 1,67m2 đã tăng 15% so với một năm trước đó, theo Tổ chức Cộng đồng Xã hội.

Một cuộc khảo sát chỉ ra gần 50% trong số 439 người được hỏi sống trong những ngôi nhà chia nhỏ, nhà lồng cho biết, chủ nhà đã tăng tiền thuê nhà trong 3 năm qua.

Số lượng người ngủ ngoài đường đã tăng lên 1.423 người từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020, so với 1.297 người một năm trước đó. Con số này cũng chỉ phản ánh số người được các tổ chức phi chính phủ tiếp cận mà chưa tính hết những người không có nhà ở Hồng Kông.

Tình hình nhà ở tại Hồng Kông đang nhanh chóng đạt đến điểm nóng. Theo chỉ số bong bóng bất động sản toàn cầu do ngân hàng Thụy Sĩ UBS công bố tuần trước, rủi ro bong bóng bất động sản của Hồng Kông cao hơn Tokyo, Los Angeles, San Francisco và gấp ba lần New York.

Hồng Kông đối mặt với khủng hoảng nhà đất tồi tệ nhất trong lịch sử - 2
Chính quyền Hồng Kông được cho là thiếu sự cương quyết trong vấn đề nhà ở. Ảnh: SCMP.

Nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng nhà ở tại Hồng Kông không bắt nguồn từ nguồn cung đất mà là sự phát triển mạnh mẽ của quá trình tư nhân hóa.

Thứ nhất, nguồn cung nhà ở không liên kết trực tiếp với nguồn cung đất. Hiện nay, chính quyền Hồng Kông thường quy định mục đích sử dụng đất thông qua đấu giá công khai, đấu thầu hoặc tài trợ theo hiệp ước tư nhân. Nhưng trước khi đất này được chuyển thành nhà ở, nó đi vào quỹ đất của các công ty phát triển tư nhân. Quá trình chuyển từ nguồn cung đất sang nguồn cung nhà ở đóng vai trò then chốt.

Nghiên cứu về thị trường nhà ở Hồng Kông cho thấy, các chủ đầu tư có xu hướng hạn chế số lượng căn hộ và thời gian xây dựng để tận dụng mùa mua cao điểm và thời điểm nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn.

Thêm vào đó, các chính sách nhà ở đo lường mật độ dân cư bằng cách sử dụng tỷ lệ lô đất nghiêm ngặt cũng hạn chế tổng diện tích sàn xây dựng, dẫn đến nguồn cung nhà ở càng hạn chế.

Thứ hai, thị trường nhà ở Hồng Kông về cơ bản đã trở thành độc quyền. Theo nghiên cứu được công bố năm ngoái trên Tạp chí Kinh tế và Chính trị, thị phần nhà ở dân cư do các tập đoàn bất động sản vì lợi nhuận sở hữu đã tăng từ 70% vào năm 1995 lên 90% vào năm 2017.

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi chính quyền bà Lam cam kết sẽ không can thiệp vào khu vực tư nhân. Sau vụ sập tòa nhà năm 2010 khiến 4 người thiệt mạng, bà Lam, khi đó phụ trách vấn đề phát triển của Hồng Kông, đã rũ bỏ trách nhiệm của chính quyền và tuyên bố rằng “trách nhiệm duy trì các tòa nhà thuộc về chủ sở hữu”.

Sự phụ thuộc vào khu vực tư nhân cũng là lý do khiến kế hoạch “chia sẻ đất đai” gần đây của chính quyền thành phố, đề xuất khai thác nguồn dự trữ của các nhà phát triển tư nhân, không hiệu quả.

Thứ ba, mặc dù chính quyền Hồng Kông thu hơn 20% doanh thu hàng năm từ phí bảo hiểm đất đai và thuế bất động sản, họ chỉ phân bổ 5% chi tiêu công cho nhà ở.

Thay vì những nỗ lực từng phần như giới hạn tiền thuê hoặc cung cấp thêm đất cho các nhà phát triển, chính phủ cần mạnh tay giải quyết vấn đề tư nhân hóa và trực tiếp kiểm soát thị trường.

Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng nhà ở cho thấy chính quyền Hồng Kông cần có một cách tiếp cận nhanh chóng, dứt khoát và mạnh mẽ để đảo ngược quá trình tư nhân hóa đã vượt quá ranh giới của nó. Nếu không, thành phố có nguy cơ sẽ bị chi phối bởi các chi phí về con người, công cộng và chính trị do tình trạng bất bình đẳng nhà ở kéo dài và bất ổn xã hội.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm