Hiến kế thu hút đầu tư cho thành phố Thủ Đức

Các chuyên gia cho rằng ở thời đại công nghệ, không cần một thành phố quy mô lớn mà thành phố cần có môi trường pháp lý thông thoáng thu hút dòng vốn quốc tế.

Hiến kế thu hút đầu tư cho thành phố Thủ Đức - 1

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp đã tham gia góp ý phát triển TP Thủ Đức tại tọa đàm “Những điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa TP Thủ Đức - TP sáng tạo: Thuận lợi, thách thức và lộ trình” do báo SGGP - Đầu tư Tài chính tổ chức ngày 4/9.

Cần nhiều phương án vượt rào

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho biết từ năm 1993 đã có xu hướng quy hoạch phát triển TP.HCM về phía đông nhưng thực sự sự phát triển về hướng này còn chậm.

Tuy nhiên, với chủ trương mới thành lập TP phía đông thì hy vọng có nhiều điều kiện để phát triển khu vực này. Trong vùng phát triển của TP.HCM thì phía đông được xem là vị trí trung tâm có giá trị để phát triển.

“Thách thức lớn nhất đầu tiên của việc thành lập phát triển TP Thủ Đức đó chính là tài chính, tiền ở đâu ra. Nguyên lý phát triển đô thị là từ đất, từ việc quy hoạch khai thác quỹ đất và phát triển hạ tầng lên. Nếu tình trạng đất bị đầu cơ thì phải có giải pháp để vượt qua như thế nào?” - TS Cương nói.

Vì vậy, TS Cương đề xuất đưa ra phương án nên gắn kinh phí đầu tư hạ tầng của TP trên từng mét vuông đất và mỗi vuông đất đó phải có nghĩa vụ đóng góp xây dựng TP. Và ai là chủ đất thì phải đóng góp chứ không có chuyện Nhà nước bỏ ra hết.

Thách thức thứ hai là quy hoạch, cần xây dựng ở TP Thủ Đức là một trung tâm thương mại, dịch vụ quy mô, bài bản không chỉ có ba chức năng là sản xuất, đào tạo, nghiên cứu. Có chức năng trao đổi dịch vụ, thương mại thì đô thị mới phát triển.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cũng cho rằng TP Thủ Đức phải bắt đầu từ quy hoạch, bước thứ hai là đẩy mạnh phát triển hạ tầng.

Ông Châu cho rằng hạ tầng ở khu vực này vẫn chưa kết nối với các tuyến đường ở khu vực quận Thủ Đức, quận 9. Đường vành đai 3 còn hơn 10 km chưa làm gì nên việc kết nối với khu vực quận khác, với Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng chưa xong, việc nối tuyến metro số 1 lên Biên Hòa (Đồng Nai)…

“Rào cản cho việc phát triển đô thị chính là tình trạng đầu cơ, thổi giá trên thị trường bất động sản ở các khu vực này. Thời gian trước đây, do sự buông lỏng quản lý, phân lô bán nền tràn lan, có thể làm hỏng quy trình phát triển đô thị của TP Thủ Đức” - ông Châu lo ngại.

Hiến kế thu hút đầu tư cho thành phố Thủ Đức - 2

Nhiều ý kiến góp ý về thể chế pháp lý, quy hoạch hạ tầng cho việc phát triển TP Thủ Đức trong tương lai. Ảnh: QUANG HUY

Phát triển về chất, đừng ham quy mô

GS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho biết xây dựng một TP mới cần phải nghiên cứu đến những thay đổi hành vi của con người. TP Dubai (UAE) là một minh chứng, khi hành vi con người thay đổi thì nhiều trung tâm thương mại quy mô khổng lồ, khách sạn, nhà hàng cao tầng, chọc trời ế ẩm…

Muốn phát triển TP Thủ Đức, theo GS Thơ, cần phải phát triển môi trường, pháp lý mới quan trọng. TP mới cần chính sách pháp lý độc lập, có thể phát triển một khu kinh tế đặc biệt, dòng tiền ngoài lưu thông dễ dàng, chế độ visa lao động thuận lợi.

“Để hiện thực hóa, nên chăng chúng ta chỉ nên thành lập một khu kinh tế đặc biệt hay khu tài chính đặc biệt và luật đặc biệt cũng phải thông qua” - GS Thơ chia sẻ.

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa tài chính, ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng không nên xây dựng trung tâm tài chính là những tòa nhà chọc trời, khu đô thị tập trung nhiều trung tâm tài chính, ngân hàng…

Vì hiện tại hành vi con người đã thay đổi, đầu tư tài chính, chứng khoán hay giao dịch ngân hàng đều qua ứng dụng trên smartphone mà không cần đến tại sở giao dịch chứng khoán hay phòng giao dịch…

“Nên xây dựng trung tâm tài chính ở TP bằng việc tạo ra một môi trường mà ở đó dòng vốn quốc tế sẽ chảy qua TP.HCM và thông suốt, thuận lợi.

Đối với khó khăn về tài chính khi ngân sách TP hạn chế, theo tôi TP.HCM nên đề xuất thay đổi mô hình ngân sách tập trung sang ngân sách phi tập trung, khoán ngân sách cho TP.HCM, nếu TP vượt thì được sử dụng phần ngân sách vượt đó” - ông Bảo góp ý.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết hiện nay TP.HCM đang đứng trước những thách thức không nhỏ để tiếp tục duy trì vai trò đầu tàu vốn có của mình và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của đất nước.

Theo ông Đức, xây dựng một đô thị năng động, sáng tạo, thông minh mục đích lớn nhất cuối cùng vẫn là tạo ra môi trường sống tốt nhất cho người dân TP, tạo ra những động lực phát triển để cho nền kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Phải phát triển giao thông công cộng

Phát triển giao thông công cộng TP phía đông phải đáp ứng 50%-60% nhu cầu đi lại của cư dân, làm sao người dân đi lại vừa có thể làm việc thuận lợi… TP phải thay đổi thiết kế đô thị, không gian đô thị như phải có đường đi bộ, đi xe đạp thì mới phát huy được hiệu quả giao thông công cộng.

Bên cạnh đó, cần mở mới tuyến đường sắt tải nhẹ, tuyến xe buýt nhanh, mở thêm nhiều tuyến đường. Nếu không phát triển được giao thông công cộng, không giải tỏa được ùn tắc, kẹt xe thì không thể phát triển thành hình mẫu đô thị.

Ngoài ra, TP Thủ Đức cũng cần có hệ thống đê bao, thoát lũ… phòng ngừa thiên tai.

TS Vũ Anh TuấnGiám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông Việt Đức

Khai thác đô thị mặt sông

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP Thủ Đức cần đi kèm với chiến lược phát triển không gian. Theo đó, cần có bộ khung hướng dẫn thiết kế đô thị cho TP, xác định rõ các khu vực cao tầng, các khu vực điểm nhấn để kiến tạo hình ảnh, bộ mặt đặc trưng cho đô thị, đặc biệt là hình bóng đô thị mặt sông Sài Gòn, sông Đồng Nai.

Quy hoạch TP mới cần dành chỗ cho các không gian công cộng, những công viên cảnh quan dọc hai bên bờ sông sẽ góp phần làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường, thu hút người dân và khách du lịch, làm tăng gấp nhiều lần giá trị đất đai và sức thu hút đầu tư.

Bà Lưu Thị Thanh MẫuTổng giám đốc Phuc Khang Corporation

 Theo Quang Huy

PLO

Dòng sự kiện: Thành phố Thủ Đức