Hàng trăm biệt thự bỏ hoang rêu mốc, nhiều môi giới bật chế độ "ngủ đông"
(Dân trí) - Sức mua bất động sản giảm, nhiều môi giới chuyển chế độ "ngủ đông" giữa hè; Mục sở thị hàng trăm căn biệt thự bỏ hoang, rêu mốc ở một huyện tại Hà Nội... là những thông tin BĐS nổi bật trong tuần.
Mục sở thị hàng trăm căn biệt thự bỏ hoang, rêu mốc ở một huyện tại Hà Nội
Hàng loạt dự án nhà liền kề, biệt thự ở khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (thuộc hai xã Kim Chung và Di Trạch của huyện Hoài Đức, Hà Nội) chưa được đưa vào sử dụng, bỏ hoang từ nhiều năm nay ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) đang gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, mất mỹ quan đô thị.
Dự án do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2008.
Dự án này có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng nằm trên quốc lộ 32 từ Hà Nội đi Sơn Tây. Theo thiết kế, khu đô thị Kim Chung - Di Trạch có quy mô dân số khoảng 20.000 - 30.000 người. Dự án đã hoàn thiện giai đoạn một gồm xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu nhà ở biệt thự, liền kề.
Dù được khởi công từ cách đây hơn 10 năm, hiện nay, các căn biệt thự liền kề của dự án vẫn bỏ hoang, rêu mốc, chưa hoàn thiện và không có người ở.
Sức mua bất động sản giảm, nhiều môi giới chuyển chế độ "ngủ đông" giữa hè
TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam - nhận định với tình trạng an ninh thắt chặt, các nhà đầu tư trong và ngoài nước không có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, giao thương, thị trường bất động sản thời gian gần đây chứng kiến sức mua giảm, các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái dè chừng và thận trọng khi quyết định đầu tư bất động sản.
"Riêng đối với những sản phẩm tốt, đây là một cơ hội để minh chứng giá trị sản phẩm và tiềm lực của những nhà phát triển uy tín trên thị trường. Song đối với những sản phẩm không phù hợp, trong điều kiện kinh tế hiện tại, tôi nghĩ rằng đây là một thời điểm khó để thị trường hấp thụ những sản phẩm này.
Ngoài ra, vấn đề pháp lý của các dự án vẫn là câu chuyện kéo dài từ nhiều năm nay dẫn đến tình trạng nguồn cung sơ cấp trên thị trường bị hạn chế", ông Khương nhấn mạnh các vấn đề của thị trường hiện nay.
Đại diện Batdongsan.com.vn cũng cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến các hoạt động kinh doanh bất động sản bị gián đoạn. Một số dự án đã có kế hoạch ra hàng và chạy chiến dịch quảng bá trước đó đành phải hoãn lại đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhiều môi giới chuyển sang chế độ tạm "ngủ đông" vì khách hàng ngại tương tác, tìm hiểu bất động sản trong thời kỳ giãn cách.
Dự án của Intracom vướng lùm xùm, shark Nguyễn Thanh Việt nói gì?
Như Dân trí đã đưa tin, Thanh tra Chính phủ mới đây có thông báo về kết quả kiểm tra, rà soát nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cư dân tại chung cư Intracom 1 Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Chia sẻ trên trang cá nhân ngay sau khi báo chí đăng tải lùm xùm liên quan dự án, shark Việt cho biết: Intracom là dự án chung cư đầu tiên của Intracom, được triển khai nhiều năm trước. Shark Việt thừa nhận các công tác xây dựng, bàn giao, quản lý vận hành dự án đã có những sai sót.
Theo ông Việt, từ năm 2015, các sở, ban, ngành cũng đã thanh tra, kiểm tra và công ty đã chấp hành các nội dung xử phạt và thực hiện các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên trong quá trình giải quyết, một số giải pháp được đưa ra vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của một số cư dân dẫn đến việc khiếu nại vẫn tiếp tục.
"Để xảy ra những việc như vậy cũng là do lỗi của tôi trong công tác điều hành, quản lý" - shark Việt nhận trách nhiệm.
Mặt bằng phố cổ một thời giành giật, giờ hạ giá hết cỡ vẫn vắng khách thuê
Trước đây, các khu phố nổi tiếng tại Hà Nội như phố Huế, Bà Triệu, Lý Quốc Sư, Cầu Gỗ... luôn sầm uất, nhộn nhịp khách mua bán, vui chơi, giải trí.
Mặt bằng tại đây luôn có mức giá cho thuê khá cao, thường được tính theo m2 với giá dao động 1,8 - 3 triệu đồng/m2. Tính ra, mỗi mặt bằng có diện tích khoảng 50 m2 đã có giá thấp nhất 90 triệu đồng/tháng, tùy theo vị trí và chất lượng có thể lên tới 150 triệu đồng/tháng.
Với mức giá thuê cao như vậy, tưởng chừng không ai dám mạo hiểm thuê nhưng theo chị H.P. - nhân viên của một sàn thuê mặt bằng online - khách hàng còn giành giật nhau để thuê, thậm chí còn mất một khoản phí với chủ nhà hoặc chấp nhận đóng trước nhiều tháng hơn để được thuê.
Nhưng hiện nay, theo khảo sát của Dân trí, tại phố Cầu Gỗ, giá thuê thậm chí còn giảm tới 60 - 70% so với trước. Cụ thể, một mặt bằng trên phố Cầu Gỗ có diện tích 50 m2, thông sàn, mặt tiền lên tới 7 m trước đây được cho thuê làm siêu thị tiện lợi với giá hàng trăm triệu đồng/tháng nhưng nay chỉ còn khoảng 58 triệu đồng/tháng. Theo người môi giới, nếu đàm phán thêm với chủ nhà, giá sẽ chỉ còn khoảng 50 - 53 triệu đồng/tháng.
Chuyên gia cảnh báo rủi ro lĩnh vực bất động sản
HSBC vừa công bố báo cáo với chủ đề "Cẩn trọng với những rủi ro trong lĩnh vực bất động sản".
Theo báo cáo, giá nhà ở các thành phố lớn tăng lên trong vòng hai năm qua, đặc biệt ở phân khúc xa xỉ. Nguyên nhân một phần là do chính sách tiền tệ hỗ trợ; thị trường trong nước chính là yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu bất động sản tăng lên.
HSBC cho rằng việc các cơ quan chức năng quan ngại khả năng thị trường nhà ở có thể không còn là một nhân tố trọng yếu của nền kinh tế và vì thế giám sát chặt thị trường bất động sản trong nước là một tín hiệu đáng khích lệ.
HSBC cũng nhận định giá nhà ở tăng lên sẽ kìm hãm khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cắt giảm lãi suất. Chính sách tài khóa cần "cõng" thêm trách nhiệm hỗ trợ kịp thời cho đúng đối tượng trong bối cảnh đợt bùng dịch Covid-19 gần đây.