Hai trường hợp điển hình "bị hành" vì tiền sử dụng đất
(Dân trí) - Câu chuyện khó đóng tiền sử dụng đất đã khiến cho quyền lợi của doanh nghiệp và người mua nhà đều bị "treo". Và dưới đây là 2 trường hợp điển hình.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp điều đau đầu trong việc đóng tiền sử dụng đất vì các vấn đề thủ tục, hồ sơ. Việc chậm giải quyết đóng tiền sử dụng đất khiến cho doanh nghiệp không thực hiện đúng nghĩa vụ với khách hàng. Từ đó, dẫn đến nhiều khiếu nại, khiếu kiện, ảnh hưởng về uy tín, thương hiệu và quyền lợi của đôi bên.
Tại hội thảo “Tắc tiền sử dụng đất” diễn ra ngày 10/9, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Sơn Kim Land, cho biết thời gian qua cư dân chung cư Gateway Thảo Điền (quận 2, TPHCM) kêu trời vì chậm được cấp sổ hồng.
Theo đó, Sơn Kim Land được UBND TPHCM giao 10.943,7m2 đất vào năm 2010 để xây dựng khu liên hợp cao ốc trung tâm thương mại – văn phòng và căn hộ Gateway Thảo Điền.
Dự án đầu tư đã được Sở Xây dựng phê duyệt năm 2009, điều chỉnh năm 2015. Tổng diện tích khu đất là 10.943,7m2, trong đó diện tích đất xây dựng công trình (phần nổi) là 5.742,8m2, diện tích xây tầng hầm (phần ngầm) là 9.089,2m2.
Ngày 3/2/2016, UBND TPHCM có quyết định số 412 duyệt phương án xác định giá đất cụ thể đối với khu đất 10.943,7m2. Với giá trị quyền sử dụng đất (tính trên toàn diện tích giao có thu tiền sử dụng đất 5.742,80m2) là hơn 120 tỉ đồng, Sơn Kim Land hoàn thành nghĩa vụ nộp. Ngày 29/4/2016, công ty này được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 3.746,2m2 cho khối nhà A và B. Dự án cũng được nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng.
Thế nhưng, từ năm 2018, Sơn Kim Land đã có hàng loạt văn bản gửi Sở Tài nguyên Môi trường (TN - MT) đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khối nhà C và cấp giấy chứng nhận cho khách hàng mua căn hộ thuộc khối nhà A và B. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng gửi đơn kiến nghị đến UBND TPHCM, Sở TN - MT nêu những khó khăn trong việc chậm trễ cấp giấy chứng nhận cho khách hàng, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Từ năm 2018, Sơn Kim Land đã bàn giao 100% căn hộ ở tòa nhà A và B cho khách hàng. Đồng thời, khách mua dự án cũng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đến 95% theo giá trị hợp đồng. Nhưng đến nay, người dân vẫn chưa được cấp sổ hồng và có nhiều bức xúc.
“Doanh nghiệp sống được nhờ khách hàng. Nhu cầu cấp sổ hồng của cư dân là hoàn toàn chính đáng. Bản thân tôi cũng đi mua chung cư mà chưa được cấp sổ hồng và rất bức xúc. Trong khi vướng mắc không được cấp sổ hồng là từ phía cơ quan chức năng. Vì vậy, rất mong cơ quan chức năng ưu tiên cấp sổ hồng cho cư dân”, ông Sơn nhấn mạnh.
Còn ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, trước đây khâu tính tiền sử dụng đất thuộc về Sở Tài chính. Nhưng sau năm 2014, việc tính tiền sử dụng đất lại thuộc về Sở TN – MT và sự tắc nghẽn nằm ở đây.
Điều đáng nói, các dự án bất động sản thực hiện ngoài TPHCM, trung bình chỉ mất 3 – 4 tháng đã có kết quả thẩm định và phương án tính tiền sử dụng đất. Thế nhưng tại TPHCM, hồ sơ tính tiền sử dụng đất lại kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết xong hoặc bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng.
Quá trình thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian, doanh nghiệp phải từ 3 năm mới nộp được tiền sử dụng đất, thậm chí nếu nộp tiền sử dụng đất trước khi công nhận, chủ đầu tư cũng mất đến 5 - 7 năm vẫn chưa được thông qua phương án giá đất.
Ông Dũng còn cho hay, Tập đoàn Hưng Thịnh có 13 dự án hoàn thành nghiệm thu bàn giao cho khách hàng đưa vào sử dụng, tương đương 8.791 căn chưa được Sở TN - MT cấp sổ hồng vì hầu hết bị vướng ở khâu xác định tiền sử dụng đất.
Điển hình như khu chung cư Lavita Garden (quận Thủ Đức), thủ tục thẩm định giá đất được triển khai từ cuối năm 2015, Sở TN - MT đã 4 lần trình phương án giá đất lên Hội đồng thẩm định giá đất thành phố. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được duyệt thông qua, chưa có kết quả thẩm định giá đất, doanh nghiệp phải tạm nộp theo đơn giá cao nhất.
Tại chung cư Richmond City (quận Bình Thạnh), chủ đầu tư đã chủ động tạm nộp hơn 168 tỉ đồng tiền sử dụng đất, tức 50% giá đất theo phương án đề xuất của Sở TN - MT. Tuy nhiên, phần nghĩa vụ tài chính còn lại đến nay vẫn chưa được giải quyết…
Thậm chí, có những dự án đủ điều kiện cấp sổ hồng nhưng cũng bị "đứng". Cụ thể, tại dự án 8X Plus, trong quá trình thực hiện các thủ tục cấp sổ hồng, Sở TN - MT làm thất lạc 5 sổ đỏ và xử lý, giải quyết các thủ tục cấp sổ hồng chậm trễ, kéo dài từ thời điểm tháng 7/2019 đến nay vẫn chưa có kết quả…
“Việc chậm trễ thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất dẫn đến việc chưa cấp sổ hồng được cho cư dân là lỗi xuất phát từ cơ quan thẩm quyền, không phải do lỗi của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp đang phải gánh chịu trách nhiệm, thiệt hại nặng nề. Đó là sự “bội tín” bất đắc dĩ với khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu đã gầy dựng trên thị trường, vướng các tranh chấp, kiện tụng không đáng có…”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, cuộc khủng hoảng pháp lý hiện nay do thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai... bộc lộ nhiều bất cập. Nhìn chung, cả Nhà nước, chủ đầu tư và khách hàng mua nhà đều bị thiệt hại. Vì chưa được cấp sổ hồng nên doanh nghiệp không thu được 5% giá trị hợp đồng mua bán với khách hàng, người mua nhà ở không thể thực hiện được các quyền của mình, nhà nước không có nguồn thu ngân sách.
Các doanh nghiệp mong muốn UBND TPHCM cần đặc biệt quan tâm, xem xét, có chỉ đạo quyết liệt đến sở ngành nhanh chóng hoàn tất thủ tục thẩm định, xác định tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp.
Cần có sự cải tổ thủ tục hành chính, ban hành chi tiết khung cơ chế thẩm định, xác định tiền sử dụng đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động nộp tiền sử dụng đất, tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước…
UBND TPHCM xem xét, chỉ đạo Sở TN - MT, cơ quan ban ngành mạnh dạn giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp, linh hoạt, ưu tiên cấp sổ hồng cho người mua nhà ở.