Hài hước thất nghiệp thì đi... môi giới bất động sản

(Dân trí) - Sinh viên mới ra trường, chưa xin được việc làm đúng chuyên ngành hay thất nghiệp thì.... lách sang đi môi giới bất động sản với suy nghĩ dễ nhiều tiền. Để rồi nhiều người thất vọng, chán nản.

Vấn đề "người trẻ lao vào bất động sản (BĐS)" được đề cập và cảnh báo tại buổi ra mắt cuốn sách "Triệu phú môi giới bất động sản" diễn ra tại TPHCM ngày 26/9. 

Một số bạn trẻ đặt câu hỏi, nhiều sinh viên mới ra trường, chưa xin được việc làm, thậm chí là đang thất nghiệp liệu có phù hợp với việc môi giới BĐS?

Hài hước thất nghiệp thì đi... môi giới bất động sản - 1

Nhiều bạn trẻ quan tâm đến công việc môi giới bất động sản 

Bà Tara Le, CEO Công ty CP BĐS Keller Williams Việt Nam chia sẻ, nghề môi giới BĐS tại Việt Nam hiện nay là một nghề khá hấp dẫn với người trẻ bởi thu nhập cao. Tuy nhiên, bước vào nghề này có nhiều thách thức, trong đó có thách thức xuất phát từ chính bản thân những người làm nghề. 

Theo chuyên gia này, đa phần dân sale mới vào nghề hiện nay đều vì không xin được công việc đúng chuyên ngành nên xin sang nghề này, với lối suy nghĩ làm tạm bợ, không có mục tiêu. Cùng với việc không có người hướng dẫn, thiếu kiến thức, khi vấp phải sự từ chối của khách hàng sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Chính bản thân những người làm nghề này chỉ nghĩ mình là "cò đất”, không trân trọng nghề và đầu tư phát triển.

Hài hước thất nghiệp thì đi... môi giới bất động sản - 2
Hài hước thất nghiệp thì đi... môi giới bất động sản - 3

Bà Hoàng Thị Thùy Vy chia sẻ tại buổi tọa đàm 

Bà Hoàng Thị Thùy Vy, Giám đốc Quản Lý Đại Lý Vinhomes, Tập đoàn Vingroup bày tỏ, nhiều bạn trẻ có suy nghĩ dễ dãi như vậy còn xuất phát từ việc các doanh nghiệp, công ty BĐS tuyển dụng đầu vào khá đơn giản, dường như bất cứ ai cũng có thể trở thành tư vấn BĐS. 

"Tuy nhiên, để trở thành một người tư vấn BĐS đúng nghĩa, chuyên nghiệp và có thể sống được bằng nghề, cần rất nhiều yếu tố. Phải trang bị cho mình kiến thức chuyên môn về BĐS, có tầm nhìn, khả năng phân tích thị trường, có tâm, xây dựng được uy tín đối với khách hàng, với đối tác", bà Vy nhấn mạnh.  

 Ngày gọi 300 cuộc điện thoại 

Mới đây, Hội môi giới BĐS Việt Nam công bố, cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, trong đó có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề

Chính tư duy làm việc kiểu chụp giật, tạm bợ, không mục tiêu, nghĩ đi làm môi giới BĐS... là "hốt" ra tiền tạo ra nhiều hệ luỵ, những biến động của thị trường. Còn đối với hình ảnh người mối giới cũng bị méo mó và những bạn trẻ trẻ theo nghề, kể cả khi chưa dịp dấn thân đã nản chí, bỏ cuộc. 

Hài hước thất nghiệp thì đi... môi giới bất động sản - 4

Nhiều người đang nhìn sai lệnh, tạm bợ về công việc môi giới bất động sản 

Chuyên gia BĐS Nguyễn Thành Tiến kể, ông từng gặp một bạn làm môi giới BĐS từ việc cả năm không bán được một cái gì, sau một thời gian, có thời điểm kiếm được 1 tỷ/tháng. Khi ông đặt câu hỏi "Ai muốn biết công thức kiếm được 1 tỷ/tháng như vậy không?". Hầu hết mọi người có mặt tại khán phòng đều đưa tay lên. 

Người này tiết lộ với ông Tiến, công thức của bạn là mỗi ngày bạn gọi đến... 300 cuộc điện thoại. Trung bình một cuộc 2 phút, ngày dành 10 giờ đồng hồ để gọi điện thoại. Có cuộc vừa cầm lên đầu kia đã dập máy... 

"Đối với môi giới BĐS, các bạn cần có chiến lược và sự kiên trì, cần thời gian tự tìm ra công thức thành công của riêng mình", ông Tiến nói. 

Đại diện một công ty về BĐS bày tỏ, nhiều bạn quá tập trung vào việc phải việc phải kiếm được bao nhiêu tiền mà quên mất rằng, làm môi giới BĐS bạn có nhiều cơ hội trưởng thành rất nhanh. Ngoài kiến thức về BĐS, các bạn làm giàu cho bản thân mình bằng các kỹ năng, cách xử lý vấn đề, các mối quan hệ... Và cho dù các bạn chưa kiếm được tiền khi rời công ty các bạn rất thuận lợi vào làm ở doanh nghiệp khác.

Để làm được điều này, chính doanh nghiệp, công ty cần tạo văn hóa riêng truyền động lực cho nhân viên, mỗi ngày, mỗi tháng cho nhân viên thêm được nhiều giá trị.

Hài hước thất nghiệp thì đi... môi giới bất động sản - 5

Môi giới bất động sản là công việc đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng (Ảnh minh họa) 

Bà Tara Le nhấn mạnh, thách thức lớn nhất đối với các bạn trẻ theo nghề chính là tâm lý hoài nghi dành cho BĐS hiện nay. Sau một thời gian địa ốc tăng nhiệt và sôi động nhưng thiếu kiểm soát về chất lượng, nghề môi giới bất động sản từng tồn tại cách bán hàng chụp giật, ăn xổi, tư vấn ẩu nhằm dụ khách mua nhà đất. 

Tuy nhiên, theo bà Le, thời kỳ sale bất động sản hành nghề một cách dễ dãi sẽ sớm khép lại. Khách hàng sẽ khó thuyết phục hơn so với trước đây, đòi hỏi người môi giới bất động sản phải thật sự có kiến thức, tầm nhìn, nghiêm túc... Điều này yêu cầu các bạn phải học, phải đọc, rèn nghề một cách nghiêm túc.  

Hoài Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm