1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Hạ tầng giao thông thay đổi, bất lợi cho thị trường bất động sản TPHCM

Quế Sơn

(Dân trí) - Dự kiến cuối năm 2020, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ thông xe. Thế nhưng, vướng giải phóng mặt bằng nên kế hoạch này phải dời sang tháng 9/2021. Bên cạnh đó, dự án cầu Cát Lái không đạt kế hoạch như mong muốn.

Vai trò của giao thông đóng vị trí hết sức quan trọng cho thị trường bất động sản TPHCM. Nhiều năm qua, dân số TPHCM liên tục tăng đã gây áp lực lên hệ thống hạ tầng. Việc xây dựng thêm cầu, đường… sẽ giúp giảm tải áp lực và phát triển kinh tế.

Nhưng, việc cầu Thủ Thiêm 2 (nối Quận 1 và 2, TPHCM) trễ kế hoạch thông xe và buộc phải dời sang năm 2021; Cầu Cát Lái thì nhà đầu tư rút lui khiến thị trường bất động sản nhận thêm “cú tát” trong lúc dịch bệnh.

Hạ tầng giao thông thay đổi, bất lợi cho thị trường bất động sản TPHCM - 1
Cầu Thủ Thiêm 2 là điểm nhấn kiến trúc trên sông Sài Gòn và có ý nghĩa quan trọng đối với khu đô thị mới Thủ Thiêm (Ảnh: Quốc Anh)

Không giải phóng kịp mặt bằng

Ngày 5/8, Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh cho biết, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương gia hạn thi công thời gian hoàn thành công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 đến ngày 9/9/2021. Nguyên nhân đến từ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Qua đó, tới ngày 10/9/2020, TPHCM mới có thể bàn giao mặt bằng trống cho nhà đầu tư thi công.

Trước đó, dự kiến cầu Thủ Thiêm 2 sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2020 và thông xe chính thức vào đầu năm 2021. Cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 và 2 của TPHCM có 6 làn xe, với tổng chiều dài 1.465m. Trong đó, phần cầu dài 885,7m được thiết kế dây văng với trụ tháp chính có hình kiến trúc cầu Rồng cao 113m.

Năm 2015, cầu Thủ Thiêm 2 được khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018. Thế nhưng, do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng nên đã khiến tiến độ thi công bị chậm trễ. Đến tháng 4/2020, chủ đầu tư cho hay dự kiến sẽ hoàn thành cầu Thủ Thiêm 2 vào cuối năm. Và một lần nữa, cầu Thủ Thiêm 2 lại trễ hẹn với người dân.

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, nối khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với khu trung tâm TPHCM (quận 1). Dự án này được đánh giá có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trục chính tại TPHCM.

Đối với hoạt động bất động sản, cầu Thủ Thiêm 2 nhiều năm qua trở thành điểm nhấn trong hoạt động quảng bá bán dự án của nhiều doanh nghiệp địa ốc.

Cầu Thủ Thiêm 2 trở thành điểm kết nối giao thông quan trọng trong hoạt động kinh doanh nhà đất khu Đông và tỉnh Đồng Nai lân cận. Với việc cầu Thủ Thiêm 2 dời thời gian thông xe một lần nữa sẽ trở thành điểm bất lợi cho thị trường địa ốc TPHCM.

Hạ tầng giao thông thay đổi, bất lợi cho thị trường bất động sản TPHCM - 2
Hiện việc lưu thông từ quận 2, TPHCM vào trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch và ngược lại chỉ thông qua phà Cát Lái (Ảnh: Vĩnh Thuỷ)

Nhà đầu tư rút lui

Cầu Cát Lái (quận 2, TPHCM nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) được xem là dự án vô cùng quan trọng trong năm 2020. Nhiều thông tin cho rằng, cầu Cát Lái sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2020.

Thế nhưng, ông Lê Mạnh Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, cho biết nhà đầu tư đã rút khỏi dự án cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch. Nguyên nhân khiến nhà đầu tư rút lui khỏi cầu Cát Lái liên quan tới tĩnh không của cầu.

Ông Dũng cho hay, tỉnh Đồng Nai đang kêu gọi nhà đầu tư hợp tác để làm cầu Cát Lái nhưng tiến độ thực đang bị chậm. Theo quy hoạch của thành phố Nhơn Trạch, cầu Cát Lái sẽ được triển khai xây dựng sau năm 2025.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh tập trung làm tuyến cầu đường quận 9 nối với Nhơn Trạch. Tuy nhiên, do hiệu ứng từ việc sân bay Long Thành chuẩn bị khởi công xây dựng nên một số nhà đầu tư đặt vấn đề với tỉnh Đồng Nai làm cầu Cát Lái, đề xuất làm cầu có tĩnh không bằng cầu Sài Gòn hiện tại.

Nhưng qua quá trình nghiên cứu, Sở Xây dựng thấy được rằng việc làm như vậy thì tàu chở container, hàng hóa không thể đi qua để vào Tân Cảng ở TPHCM. Vì vậy, Sở Xây dựng đã đề xuất tĩnh không cầu Cát Lái phải 55m, nhà đầu tư đã rút lui. Hiện, Đồng Nai đang kêu gọi nhà đầu tư hợp tác làm cầu Cát Lái nhưng tiến độ thực hiện đang chậm.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Đồng Nai làm cầu dài 3.782m thay thế phà Cát Lái hiện tại, với tổng vốn đầu tư 7.200 tỷ đồng để nối huyện Nhơn Trạch với Quận 2, TP. HCM.

Dự kiến cầu Cát Lái sẽ được khởi công vào năm 2020. Cầu Cát Lái có phần chính dài 650m, rộng 37,7m gồm 6 làn cơ giới và 3 làn xe thô sơ, lề bộ hành mỗi bên 1,5m, kết cấu bằng dây văng hai trục tháp. Do công trình có tổng mức đầu tư lớn, trước đó Đồng Nai kiến nghị Chính phủ cho tách dự án thành 3 phần.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, một nhà đầu tư bất động sản Đồng Nai cho biết, việc cầu Cát Lái không thể thực hiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhà đầu tư đất ở Nhơn Trạch. Bên cạnh đó, những dự án nhà phố, đất nền thời gian tới sẽ gặp khó khăn khi bán ra vì mức giá của huyện Nhơn Trạch nay đã lên khá cao.

“Nhà đầu tư không thể nào quăng tiền vào một khu vực mà phải chờ đợi 5 năm để xây dựng một cây cầu cả. Chưa kể giá đất Nhơn Trạch đã lên khá cao, vì thế lợi nhuận thu lại sẽ rất thấp, chưa kể khó khi ra hàng….”, bà Mỹ cho hay.