Hà Nội: Quy hoạch phát triển đô thị cửa ngõ phía Nam

Quy hoạch phát triển đô thị Phú Xuyên - Thường Tín phải định hướng là đô thị cửa ngõ phía Nam, ưu tiên đất cho các trường học, bệnh viện…

Mới đây, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đã làm việc với Huyện uỷ Thường Tín về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XXIV Đảng bộ huyện.

Hà Nội: Quy hoạch phát triển đô thị cửa ngõ phía Nam - 1

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị huyện Thường Tín nghiên cứu dùng nguồn lực quỹ đất hai bên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để phát triển kinh tế khu vực phía nam Thủ đô.

Tại buổi làm việc, Bí thư Hà Nội cho rằng, quy hoạch phát triển đô thị Phú Xuyên - Thường Tín phải định hướng là đô thị cửa ngõ phía Nam, ưu tiên đất cho các trường học, bệnh viện…

Theo Bí thư Hà Nội, chính sách đột phá trong 5 năm tới cho khu vực phía Nam Thủ đô là phải hoàn thiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cho huyện Thường Tín, cùng với quy hoạch vùng huyện, liên huyện.

Cụ thể, mở rộng Quốc lộ 1A cũ, nghiên cứu phát triển các đường gom. Tận dụng đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để tạo quỹ đất, làm trục phát triển của TP và quốc gia, chứ không đơn thuần là một trục giao thông.

Cũng theo Bí thư Hà Nội: "Quy hoạch phát triển đô thị Phú Xuyên - Thường Tín phải định hướng là đô thị cửa ngõ phía Nam, ưu tiên đất cho các trường học, bệnh viện…

Hà Nội: Quy hoạch phát triển đô thị cửa ngõ phía Nam - 2

Bản đồ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Do vậy, các Sở, ngành tham mưu với TP để có cơ chế, chính sách phát triển trục kinh tế phía Nam cho sôi động, tương xứng với các trục phát triển khác của TP, đảm bảo sự phát triển đồng đều và không để nơi đây thành “vùng trũng” phát triển.

Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì huyện Thường Tín không nằm trong 5 đô thị vệ tinh gồm: đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn.

Cũng trong Quyết định số 1259/QĐ-TTg chỉ thể hiện: Thường Tín tại các phần về định hướng phát triển công nghiệp như: “Phát triển công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, các khu công nghệ cao; Di dời các cơ sở công nghiệp đã có trong các quận nội thành theo loại hình ngành nghề phù hợp. Quỹ đất công nghiệp sau khi di dời một phần dành để xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, cây xanh, bãi đỗ xe và dịch vụ công cộng …

Hình thành các khu công nghệ cao, khu cụm công nghệ khoảng 8.000 ha. Phía Bắc bao gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Từ Liêm khoảng 3.200 ha; Ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí, sản xuất ô tô, công nghiệp vật liệu mới, hóa dược - mỹ phẩm, dệt may …

Phía Nam thuộc Thường Tín, Phú Xuyên khoảng 1.500 ha: Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao), chế biến nông sản công nghệ hiện đại với nguyên liệu đầu vào từ vùng phát triển nông nghiệp thuộc các tỉnh phía Nam Hà Nội; phát triển công nghiệp hỗ trợ (dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, điện tử tin học, sản xuất và lắp ráp ô tô) …”.

Và Vùng kiểm soát môi trường nông thôn, làng nghề đối với các khu vực như: “Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên. Bảo tồn giá trị văn hóa, kiểm soát ô nhiễm, giảm nhẹ tác động do tái định cư, thay đổi sử dụng đất”.

Theo Thanh Thanh

Báo Xây dựng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm