Bất động sản nghỉ dưỡng "chạm đáy" thấp nhất trong vòng 5 năm qua

(Dân trí) - Tại TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam, phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tiếp tục suy giảm về cả lực cung lẫn lực cầu. Tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu thống kê của một số công ty nghiên cứu BĐS như JJL hoặc DKRA, trong quý 2/2020, thị trường địa ốc TP.HCM vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, biệt thự đảo và condotel tiếp tục lún sâu “khủng hoảng” với mức tiêu thụ thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

BĐS nghỉ dưỡng vẫn “lạc lối” bởi dịch Covid-19

Theo số liệu của DKRA, đối với nguồn cung của phân khúc biệt thự đảo, trong quý 2/2020 đón nhận thêm 4 dự án mới, cung ứng ra thị trường 128 sản phẩm, tăng 8% so với quý trước, nhưng chỉ bằng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 10% nguồn cung mới (tương ứng 13 sản phẩm), bằng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức cầu của thị trường ở mức thấp, lượng tiêu thụ sơ cấp trong quý chỉ đạt 25 căn. Đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Đối với phân khúc condotel, trong quý 2 vừa qua, thị trường ghi nhận 2 dự án mới mở bán, cung cấp ra thị trường 158 sản phẩm, tăng 93% so với quý trước, nhưng chỉ bằng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bất động sản nghỉ dưỡng chạm đáy thấp nhất trong vòng 5 năm qua - 1

Trong quý 2/2020, thị trường địa ốc TP.HCM vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 20% nguồn cung mới, tăng 24% so với quý 1, nhưng chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm trước. Sức cầu chung toàn thị trường ở mức rất thấp, những khu vực thường xuyên dẫn đầu về lượng tiêu thụ như Bình Thuận, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu,… gần như không phát sinh giao dịch trong quý.

Cũng theo số liệu của JJL và DKRA, trái ngược với tình hình kinh doanh ảm đạm của BĐS nghỉ dưỡng, thì các phân khúc khác của thị trường TP.HCM đang có nhiều tín hiệu khả quan trong quý 2/2020.

Cụ thể, đối với phân khúc căn hộ, nguồn cung trong quý 2/2020 tăng 56,8% so với quý trước.

Lượng tiêu thụ trên nguồn cung mới tích cực, đạt khoảng 72.8% (tương ứng 1,765 căn), tăng 54% so với quý trước.

Căn hộ hạng B có sự sụt giảm so với quý trước nhưng vẫn là phân khúc chủ đạo dẫn dắt thị trường khi chiếm đến 56% cơ cấu nguồn cung mới. Khu Đông tiếp tục là khu vực dẫn đầu thị trường về nguồn cung và lượng tiêu thụ.

Giao dịch thứ cấp duy trì mức thanh khoản khá thấp và tập trung chủ yếu ở những dự án đã bàn giao nhà, giá trị dao động 1,8 - 2,5 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ.

Đối với phân khúc đất nền, trong quý 2 ghi nhận 3 dự án mới, cung cấp khoảng 193 nền, tăng 10% so với nguồn cung mới của Quý 1/2020, bằng 66% cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 53%, bằng 73% so với quý Quý 1 và bằng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt bằng giá sơ cấp của đất nền tại TP.HCM vẫn ở mức cao, nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư mới với các sản phẩm đất nền vùng ven có mức giá phù hợp.

Giá bán thứ cấp không có nhiều biến động, cục bộ ghi nhận mức giảm nhẹ từ các nhà đầu tư cần bán gấp phục vụ nhu cầu tài chính.

 Phân khúc đất nền là “đầu tàu” của thị trường địa ốc?

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, có 2 lý do chính khiến BĐS du lịch, nghỉ dưỡng lao dốc theo chiều thẳng đứng.

Đầu tiên là niềm tin của nhà đầu tư vẫn bị rung lắc dữ dội sau cú “sốc” vỡ trận Cocobay. Tiếp đến là đại dịch Covid-19, khiến lượng du khách quốc tế tới Việt Nam giảm mạnh, đồng thời khiến lực cầu thuê phòng, khách sạn giảm tương ứng.

Có cùng nhận định trên, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc khối R&B của DKRA cho rằng, ngay trong thời điểm hiện tại, dù Việt Nam kiểm soát đại dịch rất tốt, nhưng cả thế giới vẫn đang đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh thứ 2.

Bất động sản nghỉ dưỡng chạm đáy thấp nhất trong vòng 5 năm qua - 2

BĐS du lịch, nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục lao dốc theo chiều thẳng đứng. Ảnh minh họa

Điều này khiến lượng khách quốc tế tới Việt Nam giảm mạnh, nhiều resort, khách sạn vẫn còn đóng cửa hoặc hoạt động mang tính chất cầm chừng.

“Năm ngoái, Việt Nam đón tiếp khoảng 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế nhưng hiện nay thì khách du lịch ở các nước, đặc biệt là Âu Mỹ người ta vẫn còn đang rất vất vả và bản thân Việt Nam mình cũng chưa mở cửa các đường bay quốc tế một cách rộng rãi, vậy nên du lịch và phân khúc BĐS nghỉ dưỡng năm nay sẽ rơi vào vùng trũng”, ông Hoàng nói.

Trong thời điểm khó khăn chung của thị trường, Chính phủ, Tổng Cục du lịch và một số cơ quan ban ngành khác đã có nhiều biện pháp kích cầu du lịch nội địa, để bù vào lượng khách quốc tế bị thâm hụt bởi dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông Hoàng nhìn nhận điều này không khả quan và chỉ là giải pháp tạm thời hỗ trợ BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.

“Dù lượng khách nội địa trong năm ngoái cao 3 - 4 lần so với khách quốc tế, nhưng mức chi tiêu của khách nội thấp, không thể bù đắp vào khoảng trống kinh tế do khách quốc tế mang lại được.

Vì vậy, tôi cho rằng, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục đi xuống trong thời gian tới, và có thể kéo dài tới hết năm nay”, ông Hoàng nói thêm.

Bất động sản nghỉ dưỡng chạm đáy thấp nhất trong vòng 5 năm qua - 3

Do chưa mở lại đường bay quốc tế nên lượng khách đến Việt Nam giảm mạnh, vì thế BĐS nghỉ dưỡng sẽ còn tiếp tục đi xuống trong thời gian tới. 

Nhận định về thị trường địa ốc trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng khẳng định, phân khúc đất nền chính là “đầu tàu” của thị trường địa ốc TP.HCM trong giai đoạn hiện nay và đây chính là sự lựa chọn hàng đầu của giới đầu tư trong thời gian tới.

Ông Hoàng giải thích, đất nền là kênh đầu tư hấp dẫn hiện nay là nhờ sự khan hiếm nguồn cung của thị trường. Ngoài ra, phân khúc đất nền còn được hưởng lợi từ một số yếu khác như hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, một số thông tin liên quan tới quy hoạch như việc thành lập thành phố phía Đông,....

Chuyên gia của DKRA nhận định, nguồn cung mới tiếp tục duy trì sự khan hiếm, các dự án được triển khai đa phần có quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở khu vực vùng ven như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Quận 9,…

Việt Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm