Hà Nội ngăn chặn việc chia tách, phân lô bán nền tại khu thiếu hạ tầng

Trần Kháng

(Dân trí) - UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng.

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện Chỉ thị số 13 ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, Sở Xây dựng được yêu cầu trên cơ sở Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030 đã được UBND TP phê duyệt, khẩn trương rà soát, xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hằng năm theo quy định của Luật Nhà ở, trong đó xác định rõ danh mục các dự án nhà ở để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn TP.

Hà Nội ngăn chặn việc chia tách, phân lô bán nền tại khu thiếu hạ tầng - 1

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản, đất đai, xây dựng (Ảnh: Trần Kháng).

Sở này cũng được giao thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trên địa bàn. Sở khẩn trương lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án đầu tư cải tạo chung cư cũ trên địa bàn; rà soát đối tượng, điều kiện, lập và công bố danh mục các chủ đầu tư được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại theo quy định của Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, Sở này phải phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội TP trong việc rà soát, tổng hợp nhu cầu của khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Đặc biệt, UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường bất động sản và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn, không để xảy ra tình trạng sốt giá, bong bóng bất động sản trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, thanh tra đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai, xây dựng...

Sở Tài nguyên và Môi trường cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai để các chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở mới nhằm tăng nguồn cung cho thị trường; đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà ở; có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng.

Hà Nội ngăn chặn việc chia tách, phân lô bán nền tại khu thiếu hạ tầng - 2

Tình trạng tách thửa, phân lô bán nền tự phát diễn ra nhiều địa phương của Hà Nội trong thời gian qua (Ảnh: Trần Kháng).

Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Hà Nội yêu cầu, công khai danh mục dự án, quỹ đất, quy trình thủ tục thực hiện dự án đầu tư phát triển nhà ở, bất động sản trên địa bàn để kêu gọi đầu tư; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản; theo dõi và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Liên quan tới tình trạng tách thửa, phân lô bán nền tự phát tại Hà Nội, thời gian qua, theo ghi nhận của Dân trí, trên địa bàn các huyện của Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây..., đã nở rộ tình trạng tự ý đấu nối, mở đường nhằm mục đích tách thửa, phân lô bán nền.

Đơn cử các thửa đất số 60, 8, 29, 15 tờ bản đồ 29 thuộc địa bàn xã Phú Cát, huyện Quốc Oai. Sau khi 4 thửa đất trên được tách thành 42 thửa nhỏ, trên đất đã hình thành một con đường thảm nhựa chạy giữa.

Đường rộng khoảng 5m kèm đèn điện, cây xanh, ống nước, đấu nối trực tiếp ra đường tỉnh 446. Phần hành lang an toàn giao thông cũng bị thảm nhựa là chiếu nghỉ, nơi đậu xe phục vụ người vào xem, mua bán đất.

Tương tự, tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, dọc trục Bãi Dài, từ ngã tư Miễu đến đường tỉnh 446, khoảng 4 km có đến gần chục trường hợp. Đơn cử, khu đất được giới bất động sản gọi tên quen thuộc dự án 72 lô Tiến Xuân cũng đã hình thành 2 con đường thảm nhựa đường ngang, dọc đấu nối ra trục chính bãi dài.

Hiện nay, ngay khi TP Hà Nội đang tăng cường kiểm soát tách thửa, thì không ít thửa đất "núp bóng" dự án phân lô vẫn đang làm đường, tách thửa, chào bán rầm rộ. Đơn cử như 26 lô Yên Mỹ, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất; 60 lô xã Kim Sơn, thị xã Sơn; 300 lô xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây...

Cũng theo ghi nhận, trên các địa bàn huyện Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây có khoảng trên 20 trường hợp tương tự, mở đường, thảm nhựa đấu nối phục vụ việc phân lô, bán nền.