Hà Nội nên tập trung xây dựng đô thị tiện nghi
Sản phẩm công nghệ cao có vai trò quan trọng quyết định đến sự thành công trên con đường trở thành TP có tính cạnh tranh trong khu vực và thế giới của Thủ đô Hà Nội.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. KTS Hoàng Hữu Phê - Chuyên gia về quy hoạch, quản lý đô thị.
Là một đô thị mới được mở rộng địa giới hành chính, ông đánh giá thế nào về cấu trúc hạ tầng đô thị trong hơn 10 năm qua?
- Có thể khẳng định sau hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã xây dựng được một hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chính, hiện đại, đáp ứng với quá trình phát triển kinh tế và gia tăng sức cạnh tranh cho Thủ đô.
Cấu trúc đô thị Hà Nội là hợp thành của một cơ cấu đô thị rộng lớn hơn, được gọi là quy hoạch Vùng Hà Nội. Đã đưa Hà Nội trở thành là trung tâm của một vùng đô thị, được hình thành như một hành lang phát triển bao gồm hai cực chính là Hà Nội và Hạ Long - Hải Phòng; Tập trung hướng phát triển lên phía Bắc sông Hồng vào một hệ thống đô thị đối trọng và đô thị vệ tinh được thiết lập để giãn mật độ tại thành phố trung tâm. Đây là chiến lược hợp lý và có tính dài hạn.
Ông có thể chỉ ra đâu là điểm hạn chế nhất trong quá trình xây dựng hạ tầng đô thị của Hà Nội?
- Hà Nội là TP duy nhất trong khu vực Đông Nam Á không có cảng biển, đây chính là hạn chế lớn nhất của Thủ đô. Để tạo lối ra biển, cần phải liên kết với Hải Phòng, với các chi phí khổng lồ và các rủi ro. Cảnh quan đô thị và điều kiện địa lý tự nhiên của Hà Nội, với các vùng ngoại ô rộng lớn chưa phát triển, đủ tiềm năng tạo các mức độ tiện nghi đô thị cao và siêu cao.
Việc tập trung mật độ lớn các cơ quan hành chính ở vùng lõi khiến cho hạ tầng bị quá tải, những khu vực này quỹ đất để cải thiện hạ tầng là rất hạn chế, khó khả thi và tốn kém.
Vậy giải pháp tối ưu để khắc phục hạn chế này là gì, thưa ông?
- Theo tôi giải pháp tối ưu nhất là Hà Nội nên dần loại bỏ các cơ sở công nghiệp công nghệ thấp, tập trung xây dựng hạ tầng cho một khu đô thị tiện nghi, lấy công nghệ cao (phần mềm, cơ khí chính xác) và dịch vụ có hàm lượng tri thức cao là động lực phát triển.
Mặc dù không có biển, nhưng nếu sản phẩm chính của Hà Nội là thành phẩm công nghệ cao có thể vận chuyển tức thời qua mạng máy tính (phần mềm công nghệ - PV) hay bằng đường hàng không, thì ưu thế vận tải biển rẻ tiền là không cần thiết và điều quan trọẽ sẽ tránh được ô nhiễm công nghiệp.
Việc xây dựng các TP vệ tinh là ý tưởng tốt nhằm giải tỏa áp lực cho vùng đô thị lõi, vấn đề này cần phải sớm được triển khai. Kèm theo đó là việc dịch chuyển các cơ quan hành chính ra vùng ngoại thành, trong đó giao thông phải đi trước 1 bước, các đô thị vệ tinh sẽ được xây dựng dựa trên hệ thống TOD (Transit Oriented Development) đó là những tuyến đường sắt đi xuyên qua trung tâm đô thị vệ tinh kết nói với vùng lõi. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng trọng điểm này.
Xin cảm ơn ông!
Theo Doãn Thành
Báo Kinh tế & Đô thị