Hà Nội chưa "chốt" kiến trúc "xứ Đông Dương" của cầu Trần Hưng Đạo
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội khẳng định, đến nay vẫn chưa "chốt" phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Đồng thời, thành phố sẽ tổ chức triển lãm, trưng cầu lấy ý kiến rộng rãi về các phương án thiết kế kiến trúc.
Chưa "chốt" kiến trúc của cầu Trần Hưng Đạo
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, đến nay vẫn chưa "chốt" phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Theo đó, Thành phố mới giao nhiệm vụ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội mới chấp thuận Công ty CP Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo theo phương án PPP, loại Hợp Đồng BOT trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy trình, quy định.
UBND TP cũng giao Công ty CP Him Lam liên hệ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố để được cung cấp thông tin và kết quả thực hiện việc tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, làm cơ sở lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư.
Đồng thời, có trách nhiệm tổ chức và nghiên cứu lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ và các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình.
Ngoài ra, Công ty phải hoàn thành công tác lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký văn bản (ngày 1/9-PV).
"Trong thời hạn trên, Công ty CP Him Lam phải hoàn thành thủ tục lập, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Quá thời hạn, không hoàn thành thủ tục trên thì phải có văn bản báo cáo UBND TP xem xét, quyết định", UBND TP nêu rõ.
Sẽ triển lãm, trưng cầu lấy ý kiến người dân
Trao đổi với PV Tiền Phong liên quan đến phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách cổ điển "xứ Đông Dương" gây xôn xao dư luận thời gian qua, ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội (Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo - PV) cho biết, đây chưa phải là phương án cuối cùng để phê duyệt dự án đầu tư mà đây chỉ là phương án định hướng, sơ bộ ban đầu, trong quá trình sẽ hoàn thiện dần.
"Trước mắt đưa ra phương án mà Hội đồng tuyển chọn thông qua. Tuy nhiên, sau đó Hội Kiến trúc sư Việt Nam có mong muốn đóng góp ý kiến, chúng tôi kiến nghị lãnh đạo Thành phố đồng ý với phương án này. Sắp tới sẽ mở rộng, giao Công ty CP Him Lam tài trợ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông sẽ đứng ra làm đơn vị tổ chức mời thêm Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trên cơ sở làm đầu mối tập hợp các ý kiến của các kiến trúc sư trong ngành", Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nói.
Theo đó, sẽ lấy ý kiến theo 2 hướng. Thứ nhất, đóng góp thẳng vào phương án để làm tốt lên. Thứ hai, nếu có phương án nào khác hẳn, độc đáo theo đúng tiêu chí độc đáo, điểm nhấn của Thành phố thì Hội đồng kiến trúc sẽ xem xét để chọn ra phương án tốt nhất, đẹp nhất, là biểu tượng của Thành phố. Sau đó, sẽ triển lãm, trưng cầu lấy ý kiến của người dân để có sự đồng thuận.
Lý giải về việc Hội đồng chọn phương án 3, ông Nguyễn Trúc Anh cho biết, theo quan điểm cây cầu biểu tượng văn hóa kết nối với khu vực phố cũ Hà Nội, phương án 3 cầu Trần Hưng Đạo có dáng vẻ tân cổ điển, thơ mộng, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính. Phương án thiết kế tân cổ điển phù hợp với tiêu chí là cây cầu có tính chất văn hóa, kết nối cảnh quan đối với các công trình kiến trúc hiện có tại khu vực và trên đường Trần Hưng Đạo với nhiều công trình kiến trúc đặc trưng kiểu khu phố cũ/sang khu vực phát triển hiện đại Bắc sông Hồng và không lặp lại kiến trúc của các cây cầu hiện có và đang nghiên cứu dọc tuyến sông Hồng, sông Đuống.
"Phương án 3 là phương án được Hội đồng tuyển chọn góp ý rất nhiều và là phương án lựa chọn khả thi trong các phương án đã có. Tuy nhiên, các Thành viên Hội đồng đều nhất trí cần tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện để đến được phương án tối ưu", Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định.
Như đã thông tin, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông mới đây đề xuất UBND TP Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách cổ điển "xứ Đông Dương", kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp và bờ bắc - khu vực phát triển mới bắc sông Hồng. Phương án sẽ mang dáng vẻ cổ điển, gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính.
Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin này được công bố đã có không ít ý kiến trái chiều của các chuyên gia, kiến trúc sư, thậm chí trên các diễn đàn cũng tranh luận về thông tin này.
Nhiều ý cho rằng, Hà Nội cần phải tổ chức thi tuyển thiết kế để chọn ra cây cầu có kiến trúc đẹp, mang tính biểu tượng, cùng với đó cần phải tổ chức lấy ý kiến cộng đồng trước khi phê duyệt.
Trước đó, ngày 27/8, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã trình UBND TP Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng.
Hội đồng tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đã đánh giá, xếp hạng 3 phương án do Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đề xuất gồm: Phương án 1: Cầu Extrados bê tông cốt thép hiện đại; Phương án 2: Cầu vòm thép kết hợp dây văng tạo hình cánh hạc bay; Phương án 3: Cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp kiểu cổ điển.
Kết quả lựa chọn đánh giá từ 15 thành viên hội đồng như sau: Phương án 1 và phương án 2 chỉ có 1/15 thành viên hội đồng lựa chọn, số điểm lần lượt là 1.140 điểm và 1.137 điểm. Phương án 3 được 13/15 thành viên hội đồng lựa chọn với 1.261 điểm.
Theo thiết kế cơ sở, dự án cầu Trần Hưng Đạo có chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5 km; tổng vốn đầu tư dự án dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 50%, vốn nhà đầu tư BOT chiếm 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2025.