Đơn vị thiết kế cầu Trần Hưng Đạo: Chúng tôi không sao chép, chắp vá

(Dân trí) - Phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo với phong cách Xứ Đông Dương gây nhiều tranh luận. Chia sẻ với Dân trí, Tổng giám đốc TEDI - đơn vị thiết kế - đã giải thích một số vấn đề được quan tâm.

Cụ thể, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) - đơn vị thiết kế cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng - khẳng định sẽ cầu thị, lắng nghe, tiếp thu để làm sao hướng tới sản phẩm đẹp hơn, nhận được sự đồng thuận cao nhất.

Ngay sau khi công bố thông tin lựa chọn phương án kiến trúc cho cây cầu Trần Hưng Đạo ở Hà Nội, nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản biện với những ý kiến trái chiều. Ông nghĩ sao về điều này?

- Với tư cách đơn vị tư vấn thiết kế, chúng tôi đã đề xuất 3 phương án với 3 ý tưởng khác nhau. Trong đó, phương án 3 với phương án phong cách kiến trúc xứ Đông Dương được lựa chọn nhiều nhất.

Đơn vị thiết kế cầu Trần Hưng Đạo: Chúng tôi không sao chép, chắp vá - 1

Phương án 3 với phong cách xứ Đông Dương được lựa chọn.

Sau khi phương án này được đưa ra, đã có những ý kiến góp ý khác nhau vừa qua trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đứng trên quan điểm đơn vị tư vấn, chúng tôi rất cầu thị, lắng nghe, tiếp thu để làm sao hướng tới sản phẩm đẹp hơn, nhận được sự đồng thuận cao nhất.

Thú thật, bản thân dân kỹ thuật như chúng tôi vẫn thích một cây cầu với kết cấu hiện đại. Trong 3 phương án đưa ra thì 2 phương án 1 và 2 là "Người chủ soái" và "Cánh hạc bay" đều là những cây cầu mang dáng dấp hiện đại.

Tuy nhiên, sau đó xem xét, lắng nghe ý kiến và nhận thấy chỗ này nếu xây một cây cầu quá hiện đại thì liệu đã thực sự phù hợp hay chưa. Muốn nó đẹp lại phù hợp, đó là mong muốn của tất cả chúng ta. Nên trước mọi ý kiến góp ý hiện nay, chúng tôi rất mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý cho phương án.

Cũng phải nói thêm, đây là bước Hội đồng tham mưu cho Thành phố để xem xét lựa chọn. Thành phố hiện cũng chưa ra quyết định nào cả.

Cây cầu Trần Hưng Đạo sẽ để dấu ấn hàng trăm năm, lại có vị trí ở trung tâm Thủ đô, biểu tượng của Thành phố nên mỗi phương án cần được cân nhắc kỹ lưỡng về công năng, yêu cầu kỹ thuật, tính thẩm mỹ, không thể nghiên cứu sơ sài, qua loa.

Ông có thể nói rõ hơn về việc lựa chọn phương án "Xứ Đông Dương" với dáng vẻ kiến trúc cổ điển cho cây cầu Trần Hưng Đạo? Bởi nhiều ý kiến cho rằng thiết kế  này hoài cổ, không phù hợp với thành phố sáng tạo như Hà Nội. Thậm chí có kiến trúc còn đặt vấn đề là phương án xây cầu này quay về quá khứ thay vì hướng tới tương lai?

- Công trình cầu Trần Hưng Đạo được lựa chọn với tiêu chí là cầu có tính chất văn hóa, kết nối địa danh lịch sử, các khu vực trung tâm nội đô lịch sử phía Nam sông Hồng với khu vực trung tâm phát triển phía Bắc sông Hồng.

Đơn vị thiết kế cầu Trần Hưng Đạo: Chúng tôi không sao chép, chắp vá - 2

Phong cách cầu Trần Hưng Đạo nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Phương án "Xứ Đông Dương" với ý tưởng kết nối hiện đại và tương lai từ cảnh quan đường Trần Hưng Đạo, xuất phát điểm của cây cầu từ bờ Nam sông Hồng.

Bản thân phương án này được lựa chọn cũng đã trải qua rất nhiều lần lấy ý kiến, góp ý, được chỉnh sửa rất nhiều. Nhiều chuyên gia có ý kiến về thiết kế giả dây võng, cái này có lẽ có sự hiểu nhầm một chút.

Trong quá trình nghiên cứu, các phương án có dây võng đã được xem xét, đánh giá nhưng đã được thống nhất không tiếp tục phát triển. Có thể nhiều chuyên gia chưa cập nhật quá trình nghiên cứu nên đã có sự hiểu nhầm.

Việc chọn phương án kiến trúc một công trình lớn như cầu Trần Hưng Đạo còn liên quan đến bối cảnh xung quanh. Các công trình gắn liền với khu vực này là Nhà Hát Lớn, Viện bảo tàng lịch sử, khu phố cổ với nền kiến trúc Pháp. Đường Trần Hưng Đạo hiện nay vẫn lưu giữ được nhiều dấu tích kiến trúc giá trị từ gần một thế kỷ trước. Việc đưa một hình thức kiến trúc quá hiện đại vào khu vực này cũng cần phải cân nhắc hết sức cẩn thận nếu không muốn không gian đô thị sẵn có bị phá vỡ.

Tuy nhiên, đầu cầu bên này thì vậy, còn nối sang bên kia là khu đô thị mới. Do vậy phong cách kiến trúc cũng cần có sự chuyển tiếp. Theo đó, chúng tôi đã giảm thiểu chỉ còn có 2 tháp lớn, không để nhiều tháp như các nghiên cứu ban đầu.

Với phương án 3 được lựa chọn, chúng tôi đưa ra nhịp đúc hẫng kỷ lục 156 m. Nếu phương án này được thực hiện, Hà Nội sẽ có kỷ lục nhịp đúc hẫng lớn nhất. Hiệu ứng vòm cả phần dưới nữa. Kết cấu mang dáng dấp cổ điển nhưng thực chất lại có kết cấu chính rất hiện đại.

Vậy còn những thắc mắc liên quan đến việc không thi tuyển kiến trúc, không thực hiện theo đúng quy định của Luật kiến trúc về dự án này thì sao thưa ông?

- Nói việc tuyển chọn sai luật là không chính xác. Thời điểm xem xét thành lập hội đồng là tháng 5/2020. Trong khi đó Luật Kiến trúc có hiệu lực từ tháng 7/2020, trong luật Kiến trúc cũng có điều khoản chuyển tiếp (Điều 41) cho phép thực hiện tiếp tục tuyển chọn phương án kiến trúc theo quy định của Luật Xây dựng nếu công tác này đã bắt đầu trước khi Luật Kiến trúc có hiệu lực.

Bản thân Hội đồng Kiến trúc cũng là những chuyên gia gạo cội. Với các ý kiến đóng góp của dư luận, chuyên gia có ích cho kiến trúc cầu và đô thị thành phố thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa. Mục tiêu của Hội đồng kiến trúc là làm sao chúng ta có được một công trình kiến trúc cầu hoàn thiện, đẹp với thời gian.

Một điểm cũng gây tranh cãi không kém đó là tĩnh không của cây cầu. Độ tĩnh không cho tàu thuyền đi lại dưới sông 9,5 m trong khi các cầu xây mới gần đây đều trên 11 m?

- Cây cầu này bị khống chế tĩnh không cao, vì gần sân bay Gia Lâm. Đoạn tĩnh không dưới cũng bị khống chế bởi phần thông thuyền ăn sang mép đường Vạn Kiếp nên phải thiết kế để đảm bảo hài hòa.

Khi thiết kế chúng tôi đã tính cả tương lai dịch chuyển dòng nhưng vẫn đảm bảo tĩnh không thông thuyền. Dù mới chỉ là tuyển chọn kiến trúc thôi nhưng đã xem xét rất kỹ những vấn đề liên quan đến kết cấu, hình thái dòng sông.

Cụ thể, theo đề nghị của UBND TP Hà Nội, ngày 19/6/2018 Bộ Quốc phòng đã có văn bản ý kiến về quản lý độ cao tĩnh không và quản lý độ cao công trình xây dựng xung quanh khu vực sân bay Gia Lâm. Theo đó, sân bay Gia Lâm không được quy hoạch là cảng hàng không nhưng vẫn là sân bay quân sự cấp II; việc quản lý độ cao tĩnh không và quản lý độ cao công trình xây dựng xung quanh khu vực sân bay Gia Lâm được xem xét kỹ lưỡng.

Riêng đối với công trình cầu Trần Hưng Đạo, Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu đã có văn bản về việc chấp thuận độ cao tĩnh không xây dựng công trình. Theo đó, độ cao tĩnh không xây dựng công trình cầu Trần Hưng Đạo cao tối đa là 47 m trên cốt đất 8 m. Như vậy, độ cao tĩnh không tại khu vực xây dựng công trình cầu Trần Hưng Đạo là +55 m theo Hệ cao độ quốc gia.

Còn tĩnh không thông thuyền của cầu Trần Hưng Đạo là 9,5 m. Sông Hồng trong phạm vi dự án là sông cấp II, có khổ thông thuyền phải đảm bảo H=9,5 m, B=50 m, khoang thông thuyền chính nằm sát mép bờ sông phía đê Hữu Hồng. Kích thước khoang thông thuyền đã được quy định rõ trong thông tư 46/2016/TT-BGTVT về phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa.

Cả tĩnh không cao và thông thuyền đều là những thông số không thể thay đổi được. Rất nhiều vấn đề kỹ thuật liên quan nữa chứ thực sự không đơn giản. Còn nhiều người nhầm tĩnh không thông thuyền là 4,75 m. Không phải, 4,75 m là tĩnh không đường chui. Việc thiết kế trắc dọc cầu cần được thiết kế để đảm bảo tĩnh không các tuyến đường chui dưới cầu là 4,75 m, đây là con số tiêu chuẩn.

Ông thấy sao khi nhiều ý kiến cho rằng phong cách thiết kế cầu Trần Hưng Đạo có vẻ như chắp vá, sơ sài?

- Phải chia sẻ rằng cây cầu là dự án lớn, để lại dấu ấn, mang tính biểu tượng thành phố. Là con dân Hà Nội, chúng tôi cần có trách nhiệm với Hà Nội. Chúng tôi không làm cho có, làm vô trách nhiệm.

Chúng tôi cầu thị, muốn tạo ra sản phẩm để lại dấu ấn. Về cái đẹp thì mỗi người nhìn một góc nhìn. Rất khó để nói. Đó là do cách nhìn. Chúng tôi tôn trọng ý kiến của các chuyên gia để hướng tới sự đồng thuận cao nhất.

Hiện chúng tôi vẫn tiếp thu, gọt giũa làm sao để có kết quả đẹp nhất, tốt nhất. Nhưng có một điểm tôi xin được khẳng định, chúng tôi "không đi sao chép", thứ hai là chúng tôi hướng tới bản sắc Hà Nội.

Đơn vị thiết kế cầu Trần Hưng Đạo: Chúng tôi không sao chép, chắp vá - 3

Phương án 1 với tên gọi "Người chủ soái".

Đơn vị thiết kế cầu Trần Hưng Đạo: Chúng tôi không sao chép, chắp vá - 4

Phương án 2 có tên "Cánh hạc bay".

Khái niệm về kiến trúc Đông Dương là đúng, có một số ý kiến hiện đang nhầm lẫn giữa tên phương án "Xứ Đông Dương" và phong cách kiến trúc Đông Dương. Đây là phong cách kiến trúc Pháp áp dụng tại các công trình Hà Nội, có tính đến các yếu tố bản địa, có dáng dấp hiện đại, chứ không bê nguyên của Pháp sang. Chúng tôi cũng nghiên cứu, cải tiến cho phù hợp với quy mô, không gian công trình.

Chúng tôi mong muốn công trình có dáng dấp của Hà Nội - đó mới là cái khó. Làm sao để không hoài cổ phải hướng tới hiện tại, tương lai mà không lặp lại các công trình nổi tiếng thế giới.

Xin cám ơn ông!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm