Giá trị bất động sản khu đô thị tăng không ngừng

Các khu đô thị lớn vừa mở đường cho sự phát triển hạ tầng của một khu vực, vừa là yếu tố giúp bất động sản nơi đó gia tăng giá trị.

Sau cái tên khu đô thị (KĐT) Phú Mỹ Hưng đã quá quen thuộc, hiện nay các KĐT mới quy mô lớn xuất hiện ngày càng nhiều. Các chuyên gia cho rằng phát triển mô hình KĐT sẽ là xu hướng tất yếu và chiến lược tại TP.HCM. Tuy nhiên, chỉ những khu nào được quy hoạch bài bản, đầu tư thực sự nghiêm túc thì mới thu hút được cư dân tới sinh sống, kích thích giá trị bất động sản (BĐS) gia tăng.

Ông lớn nhảy vào khu đô thị

TP.HCM là địa phương tiên phong kêu gọi đầu tư các KĐT mới. Sau nhiều năm triển khai, hàng loạt KĐT đã được xây dựng thành công, góp phần thay đổi diện mạo TP, kích thích giãn dân và là động lực quan trọng phát triển kinh tế vùng. Đi kèm theo đó, giá trị BĐS thuộc các khu này được ghi nhận gia tăng theo cấp số nhân và luôn thuộc tốp đầu tại thị trường TP.

Quy luật này tiếp tục lặp lại tại khu Đông, nơi được xem là đại công trường của TP.HCM với hàng loạt công trình nhà ở, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng đã và đang xây dựng. Sau khi liên tiếp xây dựng thành công KĐT An Phú - An Khánh, KĐT Cát Lái và đặc biệt là KĐT Thủ Thiêm, vùng đất quận 2 đã bứt phá để trở thành điểm đến hấp dẫn nhất toàn TP trong suốt năm năm qua.

Tác động của mô hình phát triển KĐT đến thị trường BĐS TP.HCM thể hiện rõ nhất phải kể đến KĐT Phú Mỹ Hưng. Trong khi đó, ở phía đông bắc chính là KĐT Vạn Phúc City. Diện mạo của quận 7 và quận Thủ Đức đã thực sự thay đổi mạnh mẽ với sự xuất hiện của các KĐT này.

Xu hướng này thậm chí còn lan rộng ra các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương… Sự phát triển của các KĐT bên cạnh phục vụ mục đích giãn dân còn góp phần tạo nên những khu dân cư quy chuẩn, hạn chế lãng phí đất do phát triển các dự án tự phát, rời rạc, thiếu tiện ích sống. Cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, giao thông tốt cũng là nguyên nhân khiến nhà, đất tại đây hấp dẫn người mua hơn.

Giá trị bất động sản khu đô thị tăng không ngừng - 1

Phát triển các khu đô thị không chỉ mang đến tiện ích, dịch vụ, hạ tầng giao thông cho cư dân mà còn góp phần kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cả khu vực. Ảnh: Q.Huy

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), hơn 30 năm trước, TP đã định hướng đúng đắn về phát triển các KĐT vệ tinh như Nam Sài Gòn, Him Lam, Dragon City 65 ha, cảng biển Hiệp Phước, Tây Bắc... Đây là mô hình tối ưu, hình thành các khu dân cư có chung đặc điểm, tạo điều kiện phát triển hệ thống vận tải công cộng sức chở lớn như metro, monorail, xe buýt, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

“Ví dụ, quận 7 khi thành lập năm 1997 chỉ thu ngân sách 53 tỉ đồng. Sau 22 năm, nhờ có KĐT Phú Mỹ Hưng và các dự án khác đã trở thành quận có nền kinh tế, thương mại, dịch vụ tăng trưởng rất mạnh. Năm 2018 thu ngân sách nhà nước đã lên đến hơn 5.000 tỉ đồng. Những năm gần đây, TP còn bổ sung đề án xây dựng TP thông minh; xây dựng KĐT sáng tạo phía đông gồm các quận 2, 9, Thủ Đức; KĐT lấn biển Cần Giờ và thúc đẩy phát triển dự án KĐT Bình Quới - Thanh Đa sắp tới” - ông Châu chia sẻ.

Cần được hỗ trợ mạnh về thủ tục đầu tư

Theo ông Châu, phát triển BĐS KĐT cần vai trò chủ trì của Nhà nước, tạo cơ chế về tín dụng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị. Đồng thời có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Còn ông Lê Tiến Vũ - Phó Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Địa ốc Cát Tường thì nhận định để xây dựng một KĐT thì quy mô diện tích phải trên 50 ha. Khi đó mới đủ quỹ đất lớn để làm nhà ở, tiện ích, khu dịch vụ thương mại, công viên… Việc xây dựng các công trình tiện ích KĐT không chỉ mang lại lợi ích cho cư dân trong khu đó mà còn thu hút cộng đồng cư dân khu vực khác.

“Để phát triển các KĐT, chính quyền cần hỗ trợ chủ đầu tư trong khâu giải tỏa, đền bù tạo quỹ đất sạch bằng việc tuyên truyền, vận động thuyết phục người dân. Chủ đầu tư sẽ đền bù theo giá thị trường nhưng quan trọng là người dân hiểu, thấy được lợi ích khi xây dựng các KĐT đó. Ngoài ra, chủ đầu tư rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, chính quyền địa phương hỗ trợ về thủ tục pháp lý đầu tư để doanh nghiệp triển khai hạ tầng tiện ích nhanh nhất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai” - ông Vũ chia sẻ.

Quỹ đất khu đô thị phải sạch

Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, xu hướng KĐT là tất yếu để giảm sức nén mật độ dân cư các TP lớn. KĐT quy hoạch phải trên 20 ha, những dự án dưới diện tích này gọi KĐT là không đúng. KĐT phải có trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, chợ, công viên, đường sá… Khu sẽ phát triển khi nằm trong những vành đai kết nối giao thông, phát triển kinh tế hỗ trợ cho những TP lớn như vệ tinh.

Cần lưu ý đối với nhà đầu tư các KĐT là đất phải “sạch” để tránh những rắc rối sau này vì KĐT luôn có diện tích lớn. Thứ hai, nhà đầu tư phải chú ý đến năng lực chủ đầu tư, phải có uy tín, tiềm lực tài chính mới triển khai KĐT vì vốn đầu tư rất lớn. 

Theo Quang Huy

Pháp luật TP.HCM