1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Giá nhà ngày càng leo cao, Bộ Xây dựng nói cách giảm

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục báo cáo đề xuất với Chính phủ các giải pháp nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp góp phần kéo giảm giá nhà ở.

Tăng nguồn cung nhà ở thương mại giá thấp

Một trong hai kiến nghị cử tri TPHCM quan tâm, đặt câu hỏi gửi tới Bộ Xây dựng đó là đề xuất có giải pháp góp phần kéo giảm giá nhà để đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị, công chức, viên chức Nhà nước...

Theo cử tri, điều này vừa đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở lâu dài, vừa phát triển thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững.

Giá nhà ngày càng leo cao, Bộ Xây dựng nói cách giảm - 1

Bộ Xây dựng cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ chính sách khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp.

Trả lời kiến nghị cử tri về giải pháp giảm giá nhà, mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2019, Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở năm 2014 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước có khó khăn về nhà ở, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2019.

Tuy nhiên, do Ban Tổ chức Trung ương cũng đang chủ trì xây dựng "Đề án về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị" (Đề án) nên để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong nghiên cứu chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Xây dựng về việc lùi thời hạn trình đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án.

Trong thời gian tới, trên cơ sở nội dung Đề án được thông qua, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, bổ sung chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Bộ Xây dựng cũng cho hay, ngày 1/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Trong đó, một số nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm đổi mới phương thức, cơ chế chính sách tăng nguồn cung, góp phần giải quyết nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.

Bộ Xây dựng đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ chính sách khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân đô thị.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục báo cáo đề xuất với Chính phủ các giải pháp nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp góp phần kéo giảm giá nhà ở để đáp ứng nhu cầu nhà ở của đông đảo người dân.

Lý do gì phát triển nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu?

Bên cạnh đó, cử tri TPHCM cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét tham mưu Chính phủ trình Quốc hội bổ sung "Chương trình mục tiêu phát triển nhà ở xã hội" khi xem xét ban hành "Nghị quyết ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025", để có nguồn ngân sách Nhà nước để thực hiện tái cấp vốn, cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở.

Làm rõ vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn, với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2.

Hiện cả nước đang tiếp tục triển khai 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn, với tổng diện tích khoảng 10,95 triệu m2. Tuy nhiên, với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội đã hoàn thành xây dựng thì mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2).

Theo Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu như nêu trên do 2 nhóm nguyên nhân chủ yếu.

Trước hết, tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở tại các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng,…dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội…;

Thứ hai, do hạn chế về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, trong đó ngân sách bố trí cho Ngân hàng chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 2.163 tỷ đồng trên 9.000 tỷ đồng. Vì vậy, có nhiều dự án NOXH không thể triển khai thực hiện do không có vốn.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41, trong đó giao: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội".

Bộ Xây dựng cho biết đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sớm báo cáo cơ quan có thẩm quyền bổ sung nguồn vốn hỗ trợ nêu trên để các Ngân hàng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.