Giá nhà đất Việt Nam tốp đầu thế giới: 2 vấn đề then chốt để gỡ
(Dân trí) - Giá nhà đất tăng liên tục 5 năm qua, chỉ số giá nhà ở của nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội khiến nhiều người khó sở hữu được nhà ở.
Giá nhà gấp 20 lần thu nhập
Thông tin nhà ở và thị trường bất động sản quý I năm nay của Bộ Xây dựng cho thấy, giá căn hộ chung cư tại các địa phương đều có xu hướng tăng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 3% so với thời điểm cuối năm 2021. Tại Hà Nội giá nhà chung cư tăng khoảng 4-5% cao hơn so với tại TPHCM tăng khoảng 1-2% so với cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền có biên độ tăng cao hơn so với căn hộ chung cư Bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý trước.
Sang cuối tháng 3 năm nay, tại một số địa phương, các vùng ven Hà Nội, TPHCM và các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đồng Nai… lại có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh, một số nơi mức giá tăng 15 - 20% so với cuối năm 2021. Tình trạng này tương tự thời điểm cuối quý I đầu quý II năm 2021, tuy nhiên mức độ lan rộng và biên độ tăng giá thấp hơn.
Trước đó, đánh giá về thị trường bất động sản hiện nay, Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, thị trường đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân (nhà ở giá vừa túi tiền) và nhà ở xã hội. Đây là 2 loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị.
Cũng theo HoREA, do thiếu cung trong lúc tổng "cầu" rất lớn, mà theo quy luật cung - cầu đã dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Biểu hiện qua chỉ số giá nhà ở của nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội.
Thực trạng này làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở. Trong khi so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập.
Ngăn chặn đầu cơ và cải thiện nguồn cung
Có nhiều ý kiến cho rằng việc giá nhà tăng cao hơn nhiều lần thu nhập đang tạo ra sự khó khăn cho Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Bàn về giải pháp, để đáp ứng các yêu cầu Quyết định số 2161/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, luật sư Trương Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) - cho biết, vấn đề then chốt nhất để đạt mục tiêu Chiến lược trên là tăng nguồn cung và giảm đầu cơ.
Theo ông Tuấn, GDP của Việt Nam thấp nhưng giá đất lại thuộc tốp đắt hàng đầu thế giới. Thị trường bất động sản đang không đi theo quy luật cung - cầu. "Cầu cao, cung ít, giá tăng cao, nên vấn đề then chốt nhất là tăng nguồn cung của thị trường bất động sản. Do đó, tôi kiến nghị cần phải có giải pháp để gia tăng nguồn cung trên thị trường", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông, thị trường bất động sản "nóng" lên bởi yếu tố đầu cơ. "Tôi kiến nghị Luật Kinh doanh bất động sản phải ngăn chặn vấn đề đầu cơ bằng việc đánh mạnh vào vấn đề tài chính như thuế, phí và biện pháp kỹ thuật", ông Tuấn nêu.
Cũng chia sẻ về vấn đề đầu cơ, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, đầu cơ có 2 mục đích: Thông thường nếu nâng giá bất chấp pháp luật là xấu, tuy nhiên cũng có những đầu cơ giúp cơ quan Nhà nước cảnh giác, điều chỉnh lại.
"Hiện nay, cực kỳ khó để phân biệt đầu tư và đầu cơ, tuy nhiên không phải mọi đầu cơ là xấu. Và không bao giờ triệt tiêu được việc đầu cơ mà chỉ có thể giảm thiểu đầu cơ liên quan đến thuế, phí", ông Lực nêu.