Giá đất nền ở huyện Sóc Sơn quanh khu vực được trả 30 tỷ đồng/m2 ra sao?

Dương Tâm

(Dân trí) - Theo khảo sát, giá đất xung quanh khu vực 58 lô đất đấu giá tại huyện Sóc Sơn vừa qua dao động 20-50 triệu đồng/m2.

Tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), phiên đấu giá 58 lô đất ngày 29/11 gây xôn xao dự luận khi có 3 lô đất được trả giá lên tới trên 30 tỷ đồng/m2. Lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết, có một nhóm khách hàng có hành vi "phá" đấu giá. 

Ngày 3/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự 5 đối tượng để điều tra liên quan vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 trong phiên đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn.

Các đối tượng bị tạm giữ gồm Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân. Theo Công an TP Hà Nội, 5 đối tượng nêu trên bị điều tra về hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, khu đất đấu giá ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến huyện Sóc Sơn, Hà Nội có 2 mặt tiếp giáp với khu dân cư và 2 mặt giáp với ruộng lúa của người dân. Hiện khu đất đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhiều hạng mục vẫn còn ngổn ngang.

Khảo sát cho thấy, tại xã Quang Tiến, giá rao bán đất nền trong ngõ dao động từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng/m2. Tại khu vực mặt đường kinh doanh giá rao bán khoảng 40-50 triệu đồng/m2. Đơn cử, một lô đất có diện tích 189m2 nằm ở đường kinh doanh thôn Đông Lai đang được rao bán với giá 7,6 tỷ đồng, tương đương hơn 40 triệu đồng/m2.

Giá đất nền ở huyện Sóc Sơn quanh khu vực được trả 30 tỷ đồng/m2 ra sao? - 1

Giá rao bán đất nền quanh khu vực 58 lô đất đấu giá tại huyện Sóc Sơn ngày 29/11 khoảng 20-50triệu đồng/m2 (Ảnh minh họa: Dương Tâm).

Tại các xã lân cận như Phú Cường, Thanh Xuân, Hiển Ninh, Mai Đình, Phú Minh... giá rao bán đất nền đang dao động từ 15 triệu đồng/m2 đến hơn 70 triệu đồng/m2. Cụ thể, tại xã Phú Cường, giá rao bán đất nền trong ngõ ô tô có thể di chuyển dao động 16-24 triệu đồng/m2. Tại khu vực đường lớn có thể kinh doanh, giá rao bán đất nền 38-55 triệu đồng/m2.

Tại xã Mai Đình, giá rao bán đất nền trong ngõ dao động từ 20 triệu đồng đến 35 triệu đồng/m2. Đối với đất nền tại khu vực đường kinh doanh, giá dao động 50-75 triệu đồng/m2.

Tại xã Thanh Xuân, giá rao bán đất nền trong ngõ dao động từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng/m2. Còn các lô đất ở mặt đường lớn giá rao bán 35-50 triệu đồng/m2. Các xã Hiển Ninh, Phú Minh, giá rao bán đất nền trong ngõ dao động từ 15-22 triệu đồng/m2. Các lô đất tại mặt đường kinh doanh có giá dao động 40-60 triệu đồng/m2.

Nói với phóng viên Dân trí, anh Nguyễn Phú - chủ một phòng giao dịch bất động sản tại huyện Sóc Sơn - cho rằng, giá trúng tại phiên đấu giá 58 lô đất xã Quang Tiến khoảng 30-50 triệu đồng là sát với thực tế thị trường. Việc trả giá lên tới trên 100 triệu đồng/m2 có phần "ảo". Đồng thời, giao dịch đất nền tại huyện Sóc Sơn những tháng gần đây có phần chững lại.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng, việc trả với mức giá cao không tưởng có thể gây lũng đoạn cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, thị trường đang trong giai đoạn giao thoa giữa luật mới và luật cũ nên có những bất cập, đặc biệt là mức giá khởi điểm.

Giá đất nền ở huyện Sóc Sơn quanh khu vực được trả 30 tỷ đồng/m2 ra sao? - 2

Khu vực 58 lô đất đấu giá tại huyện Sóc Sơn (Ảnh: Thiên Phan).

Theo ông, hiện giá khởi điểm đất đấu giá xác định theo bảng giá đất cũ, chỉ bằng 10% giá đất thị trường hiện tại. Giá khởi điểm thấp dẫn tới tiền đặt trước ít. Theo đó, nhiều nhóm đầu cơ bất động sản chấp nhận bỏ số tiền rất thấp đặt cọc để tham gia với mục đích trúng sẽ bán chênh hoặc đẩy giá thị trường khu vực.

Để giải quyết vấn đề này, ông cho rằng, nên xem xét cho phép các địa phương thuê đơn vị tư vấn để xác định giá khởi điểm sát với thị trường giống trước kia. Từ đó, tiền đặt cọc trước sẽ cao hơn khiến các nhóm đầu cơ nhụt chí không tham gia.

Theo ông, những quy định về đấu giá đất cá nhân cũng cần chặt chẽ như với tổ chức, doanh nghiệp. Những người tham gia đấu giá đất phải cam kết sẽ xây dựng và đưa vào sử dụng để ở hoặc cho thuê nhằm phát triển kinh tế địa phương và tránh bỏ hoang gây lãng phí.

Để đảm bảo tính minh bạch, lành mạnh cho thị trường bất động sản, Phạm Thanh Tuấn - chuyên gia pháp lý cho rằng, nên hạn chế việc tổ chức đấu giá đất cá nhân, ưu tiên việc đấu giá đất cho các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư nhà ở cho đến khi các địa phương đã ban hành bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai 2024.

Ngoài ra, cần tính toán tới việc sử dụng công cụ thuế để hạn chế đầu cơ bất động sản trong điều kiện hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu đất đai, giá đất.

Trước đó, vào tháng 10, UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo các đơn vị về công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị tiếp tục hoàn thiện quy định, nhấn mạnh hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở. Đồng thời, ưu tiên việc đấu giá đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất với đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư.

Đồng thời, TP cũng yêu cầu các quận, huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền. Sau đó danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Hà Nội đề nghị Công an TP xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm về đấu giá đất, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã có biện pháp ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định đấu giá không được tiếp tục tham gia đấu giá.

Ngoài ra, lực lượng công an cần đề xuất giải pháp ngăn chặn hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá đối với các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao "bất thường" để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng theo quy định.