Gia Lai:

Giá đất đấu giá cao 4 lần mức khởi điểm, địa phương căng mình với sốt đất

Chí Anh

(Dân trí) - Sau Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản ở các xã vùng ven TP Pleiku (Gia Lai) "nóng sốt" bất ngờ. Ở một cuộc đấu giá tại TP Pleiku, giá đất được đẩy lên khoảng 400% so với giá khởi điểm.

Tháng 3, Trung tâm phát triển quỹ đất phối hợp với doanh nghiệp Đấu giá tư nhân Đại Phát tổ chức buổi đấu giá 104 lô đất tại phường Chi Lăng (TP. Pleiku, Gia Lai). Diện tích đất là hơn 17.000 m2 với tổng giá khởi điểm 21,7 tỷ đồng.

Giá đất đấu giá cao 4 lần mức khởi điểm, địa phương căng mình với sốt đất - 1

Dự án khu dân cư được đấu giá vừa qua tại phường Chi Lăng, TP Pleiku.

Diện tích mà dự án triển khai nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10 km, song song với tuyến Quốc lộ 14. Các lô đất được đưa ra đấu giá có diện tích 130 - 210 m2 với giá khởi điểm 175 - 300 triệu đồng. Theo ước tính, có hơn 10.000 bộ hồ sơ tham gia đấu giá 104 lô đất này.

Qua hai ngày 25/3 và 26/3, giá trị khởi điểm của 104 lô đất từ 21,7 tỷ đồng đã được đấu giá với tổng giá trị hơn 101 tỷ đồng, cao hơn 365% so với giá khởi điểm. Trong đó, lô trúng cao nhất có giá hơn 3 tỷ đồng (diện tích 209 m2, giá khởi điểm 301 triệu đồng). Lô trúng thấp nhất 760 triệu đồng (diện tích 132 m2, giá khởi điểm 169 triệu đồng). Khách hàng trúng đấu giá là người dân ở huyện Chư Sê, Chư Păh và chủ yếu từ TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Kon Tum.

Trước cuộc đấu giá vài tháng, giá đất ở khu vực này chỉ dao động 200 - 400 triệu đồng với diện tích khoảng 150 m2. Tuy nhiên, trong cuộc đấu giá này, giá đất được đẩy lên với giá cao gần 400% so với giá trị đấu giá ban đầu.

Giá đất đấu giá cao 4 lần mức khởi điểm, địa phương căng mình với sốt đất - 2

Cuộc đấu giá dự án đã được đông đảo người trong và ngoài tỉnh tham gia (Ảnh: T.T).

Sau 10 ngày kể từ cuộc đấu giá trên, vị trí đất này đã trở nên yên tĩnh như vốn có. Tuy nhiên, khắp các cột điện, bờ tường, hàng rào trên lối vào, ra của dự án đã dán đầy những biển quảng cáo bán đất, bán đất "view" ruộng, hồ…

Chị N.T, một người dân địa phương, cho biết chị sống ở trong trung tâm thành phố. Khi nghe có cuộc đấu giá đất vùng ven với giá 150 - 300 triệu đồng, chị cũng đã mua hồ sơ để tham gia nhằm hy vọng kiếm được một lô đất để dành cho con trong tương lai. Nghĩ giá khả năng cũng tăng lên gấp đôi là nhiều tuy nhiên, khi tham gia đấu thì giá tăng lên gấp 4-5 lần, vượt ra khỏi tầm kinh tế của gia đình chị. 

Giá đất đấu giá cao 4 lần mức khởi điểm, địa phương căng mình với sốt đất - 3

Sau cuộc đấu giá, nhiều diện tích đất trên địa bàn phường được đẩy giá lên gấp nhiều lần.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Đức Vũ - Phó Chủ tịch UBND Phường Chi Lăng (TP Pleiku, Gia Lai) - cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, giá đất trên địa bàn đã có sự thay đổi, tăng giá nhanh. Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán tới nay, sốt đất là vấn đề "nóng" hơn bao giờ hết. Trong cuộc đấu giá vừa qua, phường cũng là đơn vị phối hợp, giám sát địa bàn. Tuy nhiên, qua nắm bắt địa bàn thì những lô đất được bán qua đấu giá đều là khách từ nơi khác đến mua.

"Xác định trước việc sẽ có việc tung tin đồn giả về các dự án, công trình sẽ xây dựng nên địa phương đã chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức qua mạng xã hội, banner, trang thông tin nhằm khuyến cáo người dân nên kiểm tra kỹ trước khi mua, tránh tiền mất, tật mang", ông Vũ cho biết.

Giá đất đấu giá cao 4 lần mức khởi điểm, địa phương căng mình với sốt đất - 4

Giá đấu tăng gần 400% so với lúc khởi điểm.

Ngoài lập đoàn kiểm tra, theo dõi mạng xã hội để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp tự phát mở đường, phân lô trái phép thì chính quyền cũng xử lý các trường hợp vi phạm khi có ý định hình thành khu dân cư ảo, trái với quy định Nhà nước.

Trước nhu cầu mua, bán đất tăng, cán bộ phường đã phải làm việc căng mình nhằm hoàn thành thủ tục cho người dân trong thời hạn quy định đồng thời phối hợp các bên để trao đổi thông tin, nắm các trường hợp phân lô, tách thửa số lượng lớn hay có điểm bất thường. Người dân cũng được khuyến cáo cần lên phường để kiểm tra tính pháp lý, quy định đối với thửa đất sắp mua.