Giá đất 4 huyện "nâng cấp" lên quận: Mới dừng ở mức kỳ vọng

Trong quý II/2019, nguồn cung mới của thị trường nhà ở gắn liền với đất tại Hà Nội ghi nhận con số ấn tượng trong nửa đầu năm 2019.

Giá đất 4 huyện nâng cấp lên quận: Mới dừng ở mức kỳ vọng - 1

Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc CBRE Hà Nội

Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc CBRE Hà Nội dẫn chứng, trong quý II/2019 tổng số căn mở bán tại Hà Nội là 3.241, gấp 1,5 lần so với tổng nguồn cung 2018. Tuy nhiên, nguồn cung này chủ yếu được đóng góp bởi quý I. "Cải thiện giao thông nội thành tiếp tục thúc đẩy sự mở rộng nguồn cung nhà ở gắn liền với đất tới các địa điểm mới" - bà An cho biết.

Lãnh đạo CBRE cũng chỉ ra có sự thay đổi lớn về phân bổ vị trí trong nguồn cung mới với khu vực phía Đông hiện chiếm khoảng 80% tổng số căn mở bán trong 6 tháng đầu năm. Trong khi tổng nguồn cung vẫn chủ yếu đến từ khu vực phía Tây, sự chuyển dịch nguồn cung từ các quận trung tâm tới các quận ngoại thành ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

- Theo bà, tại thị trường Hà Nội khu vực nào sẽ có xu hướng đầu tư tốt trong những tháng cuối năm?

Tại Hà Nội trong khoảng thời gian 10 năm qua thị trường tập trung phát triển ở phía Tây của thành phố. Chúng ta có tới 50 - 60% nguồn cung căn hộ nằm ở khu vực phía Tây, 50% lượng văn phòng cũng nằm ở khu vực phía Tây. Sau khi quỹ đất ở khu vực phía Tây đã dần cạn, khu vực phía Nam mật độ cũng rất cao thì khu phía Đông dần dần đã có những dự án lớn đang được khai thác.

Có thể nói, thị trường ghi nhận khu vực phía Tây, phía Nam và khu vực phía Đông Hà Nội đã và đang trở thành khu vực tương đối phát triển và giờ đây chúng ta bắt đầu nhìn sang các khu vực khác nữa ra mà trong bán kính 10 cây số có tương lai phát triển, như phía Bắc Sông Hồng.

Khu vực Bắc Sông Hồng thời điểm này kém phát triển hơn so với các khu vực lân cận bởi nó là vị trí đi sau, tuy nhiên chúng ta có thể nhìn thấy những thuận lợi về vị trí địa lý cũng như là thuận tiện trong việc kết nối sân bay Nội Bài. Do đó, khu vực phía Bắc hoàn toàn là vị trí có tiềm năng cả về nhà ở, logistics cũng như các tổ hợp hỗn hợp khác. Một số chủ đầu tư cũng như nhà đầu tư đã và đang nhìn sang khu phía Bắc và tính toán các bài toán đầu tư.

Chúng tôi cũng hi vọng thị trường khu vực phía Bắc trong vài năm tới sẽ là vị trí khá sôi động. Chúng ta có thể theo dõi các dự án mới, các diễn biến mới để có những nhận định tiếp theo.

- Bà có thể cho biết diễn biến về giá đất tại các khu vực được đề xuất từ huyện lên quận trên địa bàn Hà Nội, trong đó có huyện Đông Anh?

Hiện tượng sốt đất như chúng ta chứng kiến trong thời gian vừa qua, trong đó khu vực Đông Anh đặc biệt sau khi thông cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, cho thấy mặt bằng giá đất hiện nay có cao hơn so với vài năm trước đây khi chưa có các cây cầu.

Đó là một hiện tượng phát triển rất bình thường khi mà chúng ta có hạ tầng kết nối tốt hơn sẽ có mặt bằng giá cao hơn còn về vấn đề huyện lên quận thật ra đó là vấn đề tâm lý ý nhiều hơn là vấn đề bản chất đầu tư. Tất nhiên khi quyết định huyện được lên Quận sẽ kéo theo những tác động liên quan đến đầu tư, liên quan đến khả năng tiềm năng thu hút các hoạt động khác thuộc các lĩnh vực đầu tư khác hoặc thu hút dân cư sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Tuy nhiên, tất cả những kỳ vọng đó sẽ không diễn ra trong thời gian một sớm một chiều. Điều tác động lớn nhất vẫn là hạ tầng, khi đã có hạ tầng tốt sẽ thu hút chủ đầu tư cũng như các nhà đầu tư quy mô lớn, các nhà đầu cơ có lý do để kỳ vọng về một mặt bằng giá cao hơn. Quá trình đó được hiện thực hóa bằng mức độ cư dân đến ở; những tòa văn phòng mới khi được lập lên và được sử dụng.

Khi tất cả những điều đó được hiện thực hóa thì mặt bằng giá đó mới là giá xác thực, còn hiện nay chúng ta chưa nhìn thấy nhiều dự án chưa có nhiều hoạt động cũng như nhiều nhà ở hoặc điều kiện hạ tầng còn tương đối kém phát triển so với các khu vực khác thì tất cả các giao dịch đa phần cũng chỉ dừng lại ở chuyện kỳ vọng mà thôi.

- Bà có lưu ý gì trước tình trạng sốt nóng phân khúc đất nền tại một số quận, huyện ngoại thành của Hà Nội và TP. HCM như thời gian vừa qua?

Tôi cũng muốn nói thêm, thời gian qua từng diễn ra tình trạng sốt nóng cục bộ phân khúc đất nền, đặc biệt tại một số vị trí nhất định cả ở Hà Nội và TP. HCM. Tuy nhiên, với thị trường đang phát triển như Hà Nội và TP. HCM của Việt Nam cũng là một hiện tượng mà chúng ta có thể coi là tương đối bình thường bởi nó chỉ diễn ra tại những khu vực cục bộ và trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên để tránh tình trạng bong bóng cần có những can thiệp nhất định, đó là biện pháp can thiệp về hành chính, việc cấp giấy phép hoặc các chính sách liên quan đến xét tín dụng. Đó là các biện pháp thông thường Nhà nước sẽ sử dụng khi có hiện tượng nóng sốt và thị trường bong bóng.

- Xin cảm ơn bà!

Theo: Hồng Hương

Diễn đàn doanh nghiệp