Giá bất động sản tăng như lên đồng khắp nơi

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Giá bất động sản cuối năm đã có sự thiết lập mặt bằng mới cao hơn, lượng người tìm kiếm thông tin quy hoạch rất lớn…

Giá rao bán tăng mạnh 

Chị Miên - một nhà đầu tư bất động sản không chuyên - hồ hởi khoe: Tôi vừa "thoát" được lô đất ở Hà Đông, Hà Nội mua cách đây hơn 10 năm. "Chôn" vốn bao nhiêu năm vừa rồi bán, lại còn lãi kha khá.

Miếng đất của chị Miên rộng hơn 50 m2, được bán với giá 25 triệu đồng/m2. Tuy miếng đất vuông vắn nhưng ngõ hẹp, ô tô không vào được nên mấy năm rồi cần tiền chị rao bán mãi chưa "chốt" được. Chị cho biết, đợt rồi "sóng" lên mạnh, chỗ nào giá cũng tăng nên mới đẩy đi được. Trước đó, chị mắc kẹt miếng đất này khi "lao" theo sóng đất lên quận nhưng đầu tư kiểu phong trào, thiếu tính toán.

Trong khi đó, chị Hiền - một nhà đầu tư khác - lại đang khảo sát, tìm kiếm cho mình một cơ hội đầu tư từ đất trong thời buổi "bão giá". "Khảo sát mấy tuần nay rồi mà chưa mua nổi, giá tăng quá, chỗ nào cũng đòi giá cao. Mặt bằng các khu vùng ven Hà Nội như Ba Vì, Thạch Thất… hay xa hơn là Bắc Giang, Bắc Ninh… đều thiết lập giá mới. Tôi đều thấy giá chào tăng hẳn so với thời điểm đầu năm", chị Hiền lo ngại không dám xuống tiền.

Vừa qua, thị trường cũng ghi nhận một số nơi "sốt" đất xình xịch khi giá rao bán tăng gấp đôi so với đầu năm vì xuất hiện thông tin quy hoạch. Chẳng hạn như ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nhiều lô đất mặt đường giá 500 - 600 triệu đồng mỗi mét ngang, trong khi đầu năm thôi chỉ tầm 200-300 triệu đồng.

Giá bất động sản tăng như lên đồng khắp nơi - 1

Giá đất rao bán tăng gấp đôi đầu năm, nhiều nhà đầu tư "chùn tay" (Ảnh: N.M).

Tương tự, tại Khánh Hòa những ngày qua sốt đất cũng bùng phát sau một thời gian dài yên ắng. Giới đầu tư, cò đất tung tin về dự án lớn sẽ kéo mặt bằng đất đai ở đây lên "tầm" mới. Như tại Cam Lâm (Khánh Hòa), sau khi có thông tin tập đoàn bất động sản lớn về đây làm dự án, giá đất ngay lập tức tăng chóng mặt.

Thực tế với cơn sốt đất vừa qua, không ít những nhà đầu tư "trúng quả lớn" khi giá cả tăng vọt. Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc R&D DKRA Vietnam - lấy ví dụ về một dự án ở khu Cần Giuộc - đoạn giáp với Nhà Bè (TPHCM). Năm 2016, một lô đất khoảng 80 m2 có giá 500 - 600 triệu đồng. Thế nhưng, thời điểm hiện tại đã tăng hơn gấp 3 lần, ở mức 1,8 - 19 tỷ đồng, riêng những vị trí đẹp lên đến 2,1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn - cho biết, so với năm 2020, sự quan tâm đối với phân khúc đất nền cuối năm phục hồi tốt, tỷ lệ gần bằng với giai đoạn tháng 5 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát. Trong đó, mức độ quan tâm tại các thị trường quanh khu vực Hà Nội tăng mạnh. Dòng tiền đang dịch chuyển tập trung ở Bắc.

So với năm trước, mức độ quan tâm đất nền tại thị trường Bắc Ninh tăng 41%, Hưng Yên tăng 45%, Hòa Bình tăng 53%, Thái Nguyên tăng 123%... Đi kèm mức độ quan tâm, mặt bằng giá cũng có sự ảnh hưởng mạnh. Theo ông Quốc Anh, tốc độ tăng giá rao bán đất năm 2021 tăng đáng kể. Có những khu vực giá bán rao tăng hơn 100% như Hòa Bình; Hưng Yên tăng 22%, Bắc Ninh 61%; Thái Nguyên tăng 57%... Đối với khu vực miền Trung, giá rao bán đất ở Huế tăng hơn 74%, Quảng Nam tăng 37%.

Theo đánh giá của ông Quốc Anh, giá bất động sản năm 2021 đã có sự thiết lập mặt bằng mới cao hơn, lượng người tìm kiếm thông tin quy hoạch lớn…

Ra tay chặn sốt đất 

Trước những biểu hiện của thị trường vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá, kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, sau khi có quy định về nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu phục hồi đáng kể, lượng giao dịch, giá bất động sản có xu hướng tăng cao.

Tuy nhiên lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro; tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương; cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu quy định.

Đáng chú ý, tại một số địa phương đã xảy ra các vụ việc, hiện tượng như: doanh nghiệp triển khai việc kinh doanh bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý; chuyển nhượng đất đai, kinh doanh bất động sản trái quy định; thực hiện các dự án phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý...

Những vấn đề nêu trên gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản. Một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường có thể tạo tác động tiêu cực đối với thị trường nhà ở, bất động sản).

Trước tình hình nêu trên, lãnh đạo Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp thông tin, đánh giá, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra "bong bóng" hoặc các diễn biến bất thường khác, dự báo tình hình thị trường bất động sản trong thời gian tới tại địa phương.

Đồng thời tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - lưu ý,  đã đầu tư thì mọi người phải tính toán rất thận trọng và kỹ càng. Đối với tiêu chí đầu tư bất động sản nói chung và đất nền nói riêng, ông Lực cho rằng nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ pháp lý có ổn không, quy hoạch, hạ tầng - an ninh - cảnh quan như thế nào, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh thì môi trường sống và cảnh quan cũng rất quan trọng. Một yếu tố nữa là chủ đầu tư, những chủ đầu tư đứng đắn, làm ăn nghiêm túc sẽ đỡ rủi ro hơn rất nhiều.

"Thanh khoản bất động sản rất quan trọng, tiếp theo là đòn bẩy tài chính mà chúng tôi đã chia sẻ. Cuối cùng, đầu tư bất động sản nói chung và đất nền nói riêng là khoản đầu tư trung và dài hạn, đầu tư lướt sóng sẽ rủi ro trong năm 2022", ông Lực nhận định.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - nhấn mạnh, cần phải xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có). Đặc biệt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào kinh doanh.

Đồng thời theo vị này, các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.