Đua "lướt sóng" nhà đất, nhà đầu tư đứng ngồi không yên vì bị chôn vốn
(Dân trí) - Nhà đầu tư ồ ạt mua bất động sản khi thị trường "nóng sốt", nhưng giờ lại không thể bán do thị trường trầm lắng, dẫn tới tình trạng bị chôn vốn.
Chôn vốn vào nhà đất
Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại sau thời gian "sốt nóng" cục bộ ở nhiều địa phương tại một số phân khúc đất nền, nhà đất. Không ít nhà đầu tư "tay ngang" đang phải "chôn vốn" vào nhà đất, khi đầu tư đúng thời điểm thị trường sôi động.
Chi hơn 5 tỷ đồng để mua 2 căn nhà xây sẵn trong ngõ ở khu vực quận Hoàng Mai (Hà Nội), anh Nguyễn Đức Yên đang "đứng ngồi không yên" vì bán mãi không được. Đáng nói, dù anh đã xác định bán không lãi để thu hồi vốn về cũng không tìm được khách mua.
"Số vốn đầu tư vào nhà đất trên có một nửa là tiền tôi vay ngân hàng và từ người thân. Giờ muốn bán nhà để trả nợ, nhưng rao mãi cũng không có người mua", anh Yên nói.
Cũng theo anh Yên, thời điểm anh mua 2 căn nhà trên là cuối năm 2021. Lúc đó thấy thị trường tốt và giá tăng nhanh, anh cũng chủ động mua căn nhà vị trí đẹp và giá cao hơn khu vực để đảm bảo tính thanh khoản sẽ cao.
"Những căn nhà tôi mua có diện tích 30 m2 và 35 m2 đã được xây dựng sẵn 4 tầng, có vị trí cũng gần đường lớn. Thế nhưng không ngờ thời điểm này, thị trường trầm lắng và khó bán được giá cao hơn lúc mua", anh Yên chia sẻ.
Chia sẻ thêm về kế hoạch của mình, anh Yên cho biết, với áp lực phải trả nợ, anh tính sẽ phải cố bán lỗ đi một căn. "Cái khó là nếu giữ lại một căn thì vốn của tôi cũng "đứng yên", trong khi đó, chưa biết giá nhà sẽ tăng như thế nào trong thời gian tới", anh Yên phân vân.
Cùng cảnh chôn vốn, anh Đỗ Văn Đăng (ở Hà Nội) không thể mở rộng cơ sở sản xuất khi vốn đang bị "đọng" trong bất động sản. Đáng nói, lô đất anh mua tới gần 5 tỷ đồng nhưng giờ cũng khó tìm được người thuê.
"Khi bùng phát dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty gặp khó khăn. Lúc đó tôi quyết định mua lô đất 60 m2 với giá 80 triệu đồng/m2 ở khu tái định cư của huyện Hoài Đức. Đến giờ hoạt động công ty phục hồi và có nhu cầu mở rộng thì thiếu vốn do chưa bán được lô đất trên", anh Đăng nói.
Nhà đầu tư mới thận trọng
Thống kê của một trang thông tin bất động sản cho thấy, tình hình thị trường quý I năm nay, nhu cầu đầu tư vẫn tập trung chính ở loại hình đất nền. Bởi trong 2 năm dịch bệnh, người dân có xu hướng chọn đất nền để trú ẩn dòng tiền trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Một số nhà đầu tư và giới chuyên gia thừa nhận, sự tăng giá "nóng" của thị trường nhà đất thời gian gần đây chủ yếu là đầu cơ thay vì dựa trên nhu cầu có thực. Và khi không phản ánh nhu cầu thực của thị trường thì "cơn sốt" chắc chắn phải hạ nhiệt.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giá nhà tăng nhưng thanh khoản thấp là tín hiệu cho thấy đã xuất hiện "bong bóng" cục bộ. Đáng chú ý, giá nhà cũng leo thang theo giá đất và lập mặt bằng giá mới ở nhiều nơi, song lượng giao dịch chỉ đạt mức thấp. Để ổn định thị trường, cơ quan quản lý Nhà nước đang đẩy mạnh củng cố hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản.
Trong đó, các địa phương nhanh chóng thực hiện việc công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn. Thậm chí, nhiều tỉnh thành ra văn bản dừng các hoạt động phân lô, bán đất nền khiến thị trường bị chững lại.
Mặt khác, giá bất động sản thời gian qua đã bị đẩy lên quá cao ở nhiều địa phương và khi trải qua nhiều cơn "sốt đất" liên tục khiến nhà đầu tư phải thận trọng hơn trong việc ra quyết định rót vốn.
Cảnh báo nguy cơ "bong bóng" bất động sản cục bộ, các chuyên gia bày tỏ, hiện tượng này sẽ càng làm suy yếu thanh khoản trên thị trường. Kịch bản "chết trên đống tài sản" sẽ thành hiện thực khi đầu cơ đất đai lên cao và các nguồn cấp vốn "khóa van" tín dụng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, hiện tượng "bong bóng" giá đất chỉ hình thành cục bộ tại những nơi có sốt đất, chủ yếu là những địa bàn lân cận "ăn theo" sức nóng tăng giá ở vùng lõi, mức độ ảnh hưởng không đại diện cho tổng thể thị trường.