1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Dự thảo luật PPP sao chép nội dung của luật Đấu thầu?

(Dân trí) - Quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP trong dự thảo Luật PPP gần như đã sao chép lại nội dung một số điều khoản trong luật Đấu thầu, chỉ thay thế từ “nhà thầu” bằng từ “nhà đầu tư”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, HoREA nhất trí về sự cần thiết và cấp bách ban hành “Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư” (Luật PPP).

Luật này nhằm huy động các nguồn lực của khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài tham gia thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ. Tuy nhiên, phải theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng.

Nghiên cứu nội dung dự thảo Luật PPP, ông Châu cho rằng, có 3 vấn đề cần được "cân đo đong đếm": đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP; Dự án Xây dựng Chuyển giao (dự án BT) có thể không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật PPP; cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu của dự án PPP.

Dự thảo luật PPP sao chép nội dung của luật Đấu thầu? - 1
Dự thảo luật PPP sao chép nội dung của luật Đấu thầu? (Ảnh minh hoạ)

Đối với vấn đề đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP, HoREA nhận thấy không cần thiết quy định và quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP trong dự thảo của luật. Nên thống nhất quy định trong luật Đấu thầu trên cơ sở nghiên cứu hệ thống pháp luật hiện hành và thực tiễn.

So sánh, đối chiếu quy định về đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư giữa luật Đấu thầu và dự thảo Luật PPP. Tại chương III dự thảo Luật PPP có 3 mục và 15 điều, trong đó, mục 1 quy định chung về lựa chọn nhà đầu tư dự án. Còn mục 2 là hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP. Tại mục 3 là hương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu dự án PPP.

Quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP trong dự thảo Luật PPP gần như đã sao chép lại nội dung một số điều khoản trong luật Đấu thầu, chỉ thay thế từ “nhà thầu” bằng từ “nhà đầu tư”.

Theo HoREA, luật PPP chỉ có 15 điều trong khi đó luật Đấu thầu có tới 96 điều, nên các quy phạm pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP trong dự thảo luật PPP không thể đầy đủ so với luật Đấu thầu.

Tại khoản 1 điều 107 của dự thảo Luật PPP đã sửa đổi không ít điều khoản của luật Đấu thầu. Từ đó, đã loại bỏ dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư ra khỏi luật Đấu thầu là không logic và không hợp lý.

Bởi lẽ, trong quá trình thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP theo dự thảo Luật PPP, nếu phát sinh những tình huống, sự cố phải vận dụng theo pháp luật về đấu thầu thì giữa Luật PPP và Luật Đấu thầu sẽ thiếu sự liên thông.

HoREA nhận thấy, luật Đấu thầu là luật hình thức, luật thủ tục. Pháp luật về đấu thầu quy định quản lý nhà nước về đấu thầu; trách nhiệm của các bên có liên quan và các hoạt động đấu thầu đối với các dự án đầu tư theo luật Quản lý sử dụng tài sản công, luật Đầu tư công; Mua sắm sử dụng vốn nhà nước; Dự án PPP; Dự án có sử dụng đất… để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Trong lúc, luật PPP là luật nội dung, có quy định phương thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP, thì quy định áp dụng luật Đấu thầu là phù hợp.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, không cần thiết quy định quy trình, hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong Luật PPP. Thay vào đó, nên bổ sung các quy phạm pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP vào Luật Đấu thầu thì hợp lý hơn.

Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị bỏ chương III từ điều 29 đến điều 43 của dự thảo luật PPP. Thay vào đó, đề nghị nội dung điều 29 dự thảo Luật PPP là: “Quy trình lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu”.

Quế Sơn