"Dư nợ tín dụng bất động sản vẫn nằm ở ngưỡng an toàn"

Quế Sơn

(Dân trí) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trong cuộc hội thảo "Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững... tầm nhìn đến năm 2045" diễn ra ngày 27/11, tại TPHCM.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, tính đến tháng 9/2020, có 242 dự án với hơn 57.000 căn hộ được các Sở xây dựng cấp phép đủ điều mở bán nhà ở hình thành trong tương lai. Dư nợ tín dụng đến thời điểm 30/9/2020 là khoảng hơn 600.000 tỷ đồng. Dư nợ này được đánh giá là khá an toàn.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, trong thời gian qua thị trường bất động sản và nhà ở đã phát triển rất nhanh về quy mô, số lượng, loại hình. Bên cạnh sự phát triển nhanh, thị trường bất động sản và nhà ở cũng có những giai đoạn thăng trầm.

Năm 2020, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên trước những khó khăn, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo giải quyết quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho bất động sản nhà ở.

Hiện nay trên cả nước ước tính có trên 5.000 dự án với tổng số vốn đầu tư lên đến 4,5 triệu tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2019. Về dư nợ tín dụng, theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, bình quân trong 5 năm gần đây là khoảng 7% và trong ngưỡng an toàn.

Đối với đầu tư FDI vào bất động sản, trong 5 năm qua đạt được 17,63 tỷ USD, đứng sau lĩnh vực công nghiệp chế biến. Các chủ thể tham gia vào thị trường, hiện nay cả nước có hơn 100.000 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực xây dựng, 15.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tăng hơn 2,3 lần so với năm 2010. Ngoài ra còn có hơn 1.000 sàn giao dịch bất động sản được thành lập, hoạt động trong thời gian qua.

Dư nợ tín dụng bất động sản vẫn nằm ở ngưỡng an toàn - 1
Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại hội thảo (ảnh: Bích Trần)

Theo ông Sinh, trong 9 tháng năm 2020, trên cả nước có hơn 79.000 giao dịch bất động sản thành công, tương đương với các giao dịch của năm 2019. Bên cạnh đó có 242 dự án với hơn 57.000 căn hộ được các Sở xây dựng cấp phép đủ điều mở bán nhà ở hình thành trong tương lai.

"Dư nợ tín dụng đến thời điểm 30/9/2020 là khoảng hơn 600.000 tỷ đồng. Dư nợ này được đánh giá là khá an toàn", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.

Hiện nay, trong sự phát triển của thị trường bất động sản thì vẫn còn một số vấn đề được đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nêu ra nhiều vấn đề cần tháo gỡ như: Hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn những văn bản mâu thuẫn ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển dự án nhà ở trong thời gian qua.

Trong quá trình phát triển các dự án, về mặt cơ cấu bất động sản chưa phù hợp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhiều dự án trung và cao cấp có số lượng nhiều, nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ hiện còn đang thiếu.

Giá nhà các đô thị còn cao hơn thu nhập chung của người dân. Trong thời gian gần đây, nhu cầu cung cầu có biến động dẫn đến nhiều khu vực của đô thị có tốc độ giá nhà tăng nhanh. Hiện nay trong một số các giao dịch bất động sản mới như Condotel, Officetel… nhưng các quy định về giao dịch đến nay vẫn chưa có.

Vấn đề tiếp theo, hiện nay vẫn còn tình trạng dùng các dự án chưa đủ pháp lý, dự án "ma"… để giao dịch, chiếm đoạt tiền của người dân, gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.

Tính minh bạch của thị trường từ hoạt động đầu tư, tạo lập bất động sản đến các giao dịch mua bán, cho thuê… vẫn còn hạn chế. Bởi vì các hệ thống thông tin về nhà ở, doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa hoàn chỉnh; Tình trạng đầu cơ khá phổ biến ở một số địa phương trong thời gian qua.

Dư nợ tín dụng bất động sản vẫn nằm ở ngưỡng an toàn - 2

Dư nợ tín dụng đến thời điểm 30/9/2020 là khoảng hơn 600.000 tỷ đồng. Dư nợ này được đánh giá là khá an toàn

Các giao dịch bất động sản sơ cấp khó kiểm soát, gây nhiều rủi ro cho khách hàng. Tình trạng các tổ chức, cá nhân, môi giới bất động sản tự do không có chứng chỉ ảnh hưởng đến thị trường.

"Vấn đề cuối cùng là nguồn lực tài chính đầu tư cho các dự án bất động sản chưa đa dạng, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng của ngân hàng và nguồn tiền ứng trước của người dân. Chưa nhiều doanh nghiệp thực hiện huy động vốn một cách phù hợp thông qua các sàn giao dịch chứng khoán, sàn phát hành trái phiếu…", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm