"Bất động sản có yếu tố đặc thù, cần cơ chế, chính sách phù hợp"

Quế Sơn

(Dân trí) - Chủ tịch HoREA cho rằng, trong lĩnh vực bất động sản thì hoạt động đầu tư kinh doanh dự án nhà ở thương mại có nhiều yếu tố đặc thù, nên rất cần có cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp.

Ngày 27/11, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cùng Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức hội thảo "Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình độ thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - cho biết: Từ hơn 10 năm trước, tốc độ phát triển kinh tế của nước ta đã có dấu hiệu chững lại, chậm dần. Nguyên nhân là do chịu tác động khách quan của các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1997 và nhất là năm 2008.

Một nguyên nhân khác đó là bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan nội tại của nền kinh tế. Đây là điều rất đáng quan ngại.

Đánh giá đúng thực trạng tình hình, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) đã chỉ ra 3 điểm nghẽn của nền kinh tế: Điểm nghẽn thể chế pháp luật; Điểm nghẽn cơ sở hạ tầng; Điểm nghẽn nguồn nhân lực.

Do vậy, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã quyết định thực hiện "3 đột phá chiến lược" để khắc phục các điểm nghẽn nêu trên, nhằm tạo động lực mới, đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Bất động sản có yếu tố đặc thù, cần cơ chế, chính sách phù hợp - 1
"Bất động sản có yếu tố đặc thù, cần cơ chế, chính sách phù hợp"

Ngày 24/11/2020, tại "Hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật", Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu hoàn thiện thể chế pháp luật về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính…

Thủ tướng Chính phủ đánh giá, trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập.

Theo ông Lê Hoàng Châu, trên cơ sở đường lối đổi mới của Đảng và các cơ chế, chính sách, pháp luật ngày càng được dần hoàn thiện, thị trường bất động sản đã hình thành từ đầu thập niên 90 và phát triển cho đến ngày nay.

Nhưng trong hơn 10 năm qua, thị trường bất động sản đã xuất hiện dấu hiệu không ổn định và phát triển thiếu bền vững, thể hiện qua sự thăng trầm của thị trường, thậm chí có thời điểm đã xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng, có lúc sốt nóng "bong bóng", có lúc bị "đóng băng", có lúc phục hồi và tăng trưởng trở lại.

"Như khủng hoảng "bong bóng" năm 2007; "đóng băng" năm 2008; "phục hồi" năm 2009; "bong bóng" năm 2010; "đóng băng" trong các năm 2011-2013; "phục hồi" từ năm 2014; "tăng trưởng cao" trong các năm 2015-2017; "gặp khó khăn lớn" trong các năm 2018-2020 và kể từ tháng 3/2020, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản.

"Nhưng, từ tháng 8/2020 đến nay, đi đôi với việc cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch, thị trường bất động sản đã từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại" - ông Lê Hoàng Châu cho hay.

Chủ tịch HoREA cũng cho rằng, trong lĩnh vực bất động sản thì hoạt động đầu tư kinh doanh dự án nhà ở thương mại có nhiều yếu tố đặc thù, nên rất cần có cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm