Dữ liệu quốc gia về giá đất có kìm được cơn "bão giá"?

Nhiều ý kiến cho rằng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất chỉ mang tính nghiên cứu, không có khả năng phòng chống các cơn sốt đất nền.

Mới đây, trước phản ánh của báo chí về ý kiến "xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất, Nhà nước mới kiểm soát và điều tiết thị trường bất động sản, đưa về đúng giá trị thực", Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý.

Dữ liệu quốc gia về giá đất có kìm được cơn bão giá? - 1

Cơn sốt đất diễn ra ở khắp mọi nơi trên cả nước

Theo quan điểm của lãnh đạo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, tình trạng sốt ảo bất động sản phần lớn do nhiễu loạn thông tin. Khi có thông tin về quy hoạch hạ tầng, đô thị… ngay lập tức bị giới đầu cơ lợi dụng để tung tin, thổi giá. Do đó, biện pháp cần làm là phải xây dựng được dữ liệu quốc gia về giá đất, Nhà nước mới kiểm soát và điều tiết thị trường bất động sản, đưa về đúng giá trị thực.

Tuy nhiên, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS EZ Việt Nam - cho rằng, cơ sở dữ liệu về giá đất gặp rất nhiều trở ngại bởi khó giải quyết được các vấn đề nội tại như: Ai là người cập nhật, cập nhật như thế nào, quản lý, sử dụng ra sao?

Đây chỉ là một công cụ dữ liệu để đo đạc và chẩn đoán chu kỳ giá đất tăng giảm ra sao, biên độ như thế nào. Trong khi đó sốt đất chủ yếu do quy luật nhu cầu thị trường, nhà đầu tư cá nhân. Để điều chỉnh các cơn sốt đất lại cần các công cụ khác như chính sách về lãi suất ngân hàng, tín dụng bất động sản… chứ không phải dữ liệu giá đất.

Dữ liệu quốc gia về giá đất có kìm được cơn bão giá? - 2

Nhiều ý kiến cho rằng cơ sở dữ liệu về giá đất chỉ mang tính nghiên cứu, không phù hợp với nhà đầu tư cá nhân

Ông Toản nhìn nhận, thực ra một phần đợt sốt đất này không có tác động tiêu cực quá nhiều, bản chất của nó khác với các đợt sốt đất thời điểm 2011 - 2012. Thời điểm đó, sốt đất theo kiểu "điên rồ" như dự án trên giấy cũng sốt, chung cư chỉ mới có quy hoạch 1/500 đã bán. Rất nhiều nhà đầu tư bị mắc cạn bởi loại hình này không có tính thanh khoản.

"Còn đợt sốt đất lần này chủ yếu là sốt đất nền, đây là loại hình hiện hữu, có giá trị pháp lý: có mặt bằng, quyền sở hữu… có tính thanh khoản trong thực tế. Dòng tiền đầu tư chủ yếu là tiền tích lũy, dòng tiền "sạch" do đó có một phần nào đó an toàn với thị trường, không cần lo ngại đến hiện tượng "bong bóng"- ông Phạm Đức Toản nhận định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Dũng - CT HĐQT Công ty BĐS Thiên Khôi - cũng cho rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất sẽ góp phần giúp quy hoạch, định giá tốt hơn. Còn việc sốt đất thực tế đến từ nhận thức và lòng tham của con người. Ai cũng có những kỳ vọng tạo nên động lực, sự hiểu biết sẽ giúp họ cẩn thận hơn trong đầu tư.

"Việc nhà nước có sự tổng hợp chi tiết hơn là điều rất tốt, nhưng nó chủ yếu phù hợp cho việc nghiên cứu thị trường của các nhà đầu tư lớn. Còn đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ thì không thể làm điều đó" - ông Dũng chia sẻ.

Bàn về công cụ kiểm soát thị trường về lâu dài, nhiều chuyên gia về bất động sản cho rằng, biện pháp cần làm là phải xây dựng được dữ liệu quốc gia về giá đất. Chỉ có như vậy nhà nước mới có thể kiểm soát và điều tiết được thị trường, đưa giá đất về đúng giá trị thực.