Dự án 262 ha của Crystal Bay ở Hà Tĩnh: Bộ Xây dựng vạch ra loạt vấn đề
(Dân trí) - Bộ Xây dựng vừa nêu một loạt ý kiến về căn cứ pháp lý, sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch đô thị… đối với Dự án công viên trung tâm và Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City.
Nhiều nội dung chưa phù hợp quy hoạch
Bộ Xây dựng vừa trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề nghị cho ý kiến thẩm định Dự án công viên trung tâm và Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City (viết tắt là dự án đầu tư) do Công ty cổ phần Crystal Bay đề xuất.
Tại văn bản này, Bộ Xây dựng đã đưa ra một loạt lưu ý về căn cứ pháp lý, điều kiện chọn nhà đầu tư, hình thức kinh doanh sản phẩm, sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch đô thị… đối với dự án lớn này.
Cụ thể, về căn cứ pháp lý, điều kiện lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Xây dựng dẫn quy định tại Nghị định số 31, lưu ý nhà đầu tư cần bổ sung hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Về hình thức kinh doanh sản phẩm của dự án, theo hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đề xuất đối với đất ở chia lô (là nhà liền kề và nhà biệt thự) chủ yếu được đầu tư kinh doanh theo hình thức phân lô, bán nền sau khi đã đầu tư hạ tầng.
Còn đối với nhà chung cư, nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư, Bộ Xây dựng cho biết chưa thể hiện rõ phương án kinh doanh để bán, cho thuê hay cho thuê mua. Do đó, Bộ đề nghị nhà đầu tư bổ sung, làm rõ các nội dung nêu trên trong hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, đảm bảo thực hiện tuân thủ theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Về sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch đô thị, theo hồ sơ đề xuất dự án công viên trung tâm và Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City có quy mô khoảng 262 ha thuộc các phường Nam Hà, Văn Yên, Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2738 ngày 30/7/2021.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, một số chức năng sử dụng đất ở, xây dựng chung cư, thương mại và định hướng phát triển không gian, hệ thống hạ tầng xã hội, cây xanh… trong khu vực đề xuất dự án đầu tư chưa phù hợp với Quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh (theo Quyết định số 3926/QĐ-UBND ngày 9/10/2015 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050).
Đề xuất làm công viên trung tâm và khu đô thị là chưa phù hợp
Ngoài ra, theo Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030 đã được phê duyệt (Quyết định số 1959/QĐ-UBND ngày 29/6/2018), có đề cập đến dự án "Công viên trung tâm thành phố Hà Tĩnh" thuộc danh mục công trình văn hóa, thể thao, du lịch, công viên, cây xanh ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2018-2020; không đề cập việc tổ chức triển khai Dự án Công viên trung tâm và Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City (theo đề xuất của nhà đầu tư là triển khai trong giai đoạn 2021-2027).
Do đó, Bộ Xây dựng cho rằng đề xuất dự án đầu tư của nhà đầu tư với mục tiêu đầu tư là công viên trung tâm và khu đô thị là chưa phù hợp với Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Tĩnh.
Dự án đầu tư có quy mô lớn (khoảng 262 ha) gồm nhiều hạng mục công trình (nhà ở liền kề, chung cư, công trình công cộng…), việc đề xuất tiến độ dự án đầu tư chưa đảm bảo yêu cầu về tính đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, Bộ Xây dựng tiếp tục nêu ý kiến.
Bộ cũng đề nghị cần bổ sung đầy đủ số liệu về quy mô dân số, đảm bảo sự phù hợp quy mô dân số của dự án với khu vực, đồng thời cần đánh giá nhu cầu nhà ở và quỹ đất phát triển đô thị, xác định phương án bố trí dân cư, lao động để đảm bảo đời sống người dân và sự phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị trong tương lai.
Ngoài ra, diện tích khu vực đề xuất dự án đầu tư là đất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa và nuôi trồng thủy sản (diện tích đất trồng lúa là 139,63 ha, chiếm 53,29% diện tích toàn khu vực; diện tích đất nuôi trồng thủy sản là 29,28 ha, chiếm 11,18% diện tích toàn khu vực), do đó Bộ Xây dựng lưu ý cần đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các thủ tục và trách nhiệm tài chính về đất đai có liên quan.
Bên cạnh đó là cần bổ sung thuyết minh và thiết kế sơ bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật như giao thông, san nền, cấp điện, cấp nước, thoát nước mưa, thoát nước thải đáp ứng yêu cầu vận hành và phù hợp với khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật khu vực, phù hợp với quy hoạch xây dựng và quy hoạch chuyên ngành khác.
Đồng thời là rà soát, tính toán tổng mức đầu tư của dự án trên cơ sở suất vốn đầu tư xây dựng hiện hành được Bộ Xây dựng công bố và tuân thủ các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.