Dòng tiền ồ ạt chảy vào trái phiếu bất động sản, Bộ Xây dựng cảnh báo
(Dân trí) - Bộ Xây dựng đề nghị theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị ổn định và lành mạnh.
Ồ ạt phát hành trái phiếu bất động sản, tồn kho bất động sản còn cao
Theo số liệu tổng hợp của VnDirect, trong quý III năm nay, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt mức 111.744 tỷ đồng, giảm 25% so với quý trước, đồng thời giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
88 doanh nghiệp phát hành tổng cộng 107.944 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, giảm 20,8% so với quý trước, tỷ lệ phát hành thành công đạt 63,4%. Bất động sản vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 46,8% tổng giá trị phát hành, tương đương 52.287 tỷ đồng, tăng 60,2% so với quý trước.
Các doanh nghiệp bất động sản phát hành giá trị lớn nhất có CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (6.885 tỷ đồng), CTCP Osaka Garden (6.800 tỷ đồng)... Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ở mức khá cao so với lãi suất tiền gửi trong khoảng 7,4 - 13%/năm.
Trong các giải pháp đưa ra nhằm ổn định thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề nghị các bộ ngành liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản luôn phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cả nền kinh tế.
Trong báo cáo quý III vừa công bố, Bộ Xây dựng cho biết thị trường bất động sản chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19 bùng phát lần 4.
Qua tổng hợp, phân tích số liệu về nguồn cung bất động sản và lượng giao dịch bất động sản theo báo cáo từ các địa phương quý III, Bộ Xây dựng cho biết số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa giao dịch ước tính vào khoảng 15.067 căn.
"Con số này cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường bất động sản trong quý III giảm so với quý trước do một số địa phương lớn phải thực hiện giãn cách kéo dài do dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng tại nhiều tỉnh thành trọng điểm như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương...", Bộ Xây dựng cho hay.
Giải pháp gì để gỡ khó?
Để góp phần tạo thị trường lành mạnh, ổn định, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, Bộ Xây dựng đã đề xuất một loạt giải pháp.
Cụ thể Bộ đề xuất bố trí gói tín dụng để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo phương thức cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo các quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, pháp luật về đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Đồng thời nghiên cứu, rà soát các vướng mắc, hoàn thiện pháp luật về đầu tư đặc biệt là các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện việc rà soát, rút ngắn thời gian xem xét, sớm phê duyệt, cấp mới, điều chỉnh các dự án nhà ở, dự án bất động sản đã đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Tập trung đẩy mạnh phát triển để tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân khu công nghiệp, nhà ở thương mại giá phù hợp đối tượng thu nhập thấp trung bình, điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản phù hợp nhu cầu của thị trường.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản; công bố thông tin cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đầu tư phát triển hạ tầng và việc sát nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin.
Ngoài ra các dự án bất động sản đã được phê duyệt; các chủ đầu tư dự án đủ điều kiện huy động vốn theo quy định nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng lừa đảo, đầu cơ thổi giá bất động sản để thu lợi bất chính.
Đồng thời Bộ cũng đề nghị địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.