Động thái bất ngờ của nhà đầu tư sau khi buôn đất ở quê lãi bạc tỷ
(Dân trí) - Ban đầu chỉ nghĩ vốn nhỏ về đầu tư đất ở quê, ai ngờ, trong cơn "sốt đất" nông thôn nhà đầu tư lại trúng lớn.
4 tháng lãi cả tỷ đồng
Với số vốn gần 2 tỷ đồng từ kinh doanh cửa hàng quần áo, anh N.V.N. nghĩ đến nhiều hướng đầu tư, trong đó có cả bất động sản. Anh cũng ra ngoại ô Hà Nội để xem nhưng cũng không dám "xuống tiền" vì nhận thấy giá đất đang cao, mà số tiền anh mua chỉ được 70 đến 100 m2.
Trong nhiều lần về quê (Nam Định), anh N. nhận thấy thị trường nhà đất ở đây khá sôi động và nhiều tiềm năng sinh lời. "Yếu tố tôi thấy đất ở nông thôn hấp dẫn là giá rẻ hơn nhiều so với khu đô thị, có thể sở hữu được mảnh đất diện tích lớn. Cũng chính giá rẻ vừa túi tiền nhiều người nên khả năng thanh khoản cũng cao", anh N. nói.
Kể tiếp về câu chuyện đầu tư của mình, anh N. cho biết, sau thời gian ngắn "săn" tìm, anh mua một mảnh đất rộng gần 1.000 m2 nằm trong khu dân cư thuộc xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, Nam Định) với giá 2,2 tỷ đồng. Mảnh đất này có 300 m2 đất nhà ở lâu dài còn lại là đất trồng cây lâu năm.
Do mảnh đất có 2 mặt tiền, anh N. đã tách thành 2 lô mặt đường 6 m và 2 lô mặt ngõ 3,5 m (trung bình từ 200 m2 đến 250 m2). Sau hơn 1 tháng mua vào, anh N. nhanh chóng bán được cho một người khác 2 lô với giá 1,6 tỷ đồng. Hai lô còn lại đến tháng 3 vừa rồi, anh N. đã bán với giá 1,8 tỷ đồng.
"Trừ hết chi phí đi, sau hơn 4 tháng, từ mua bán mảnh đất trên, tôi đã lãi được khoảng 1 tỷ đồng. Đây đúng là số tiền tôi không nghĩ sẽ kiếm được trong đợt dịch vừa qua", anh N. chia sẻ.
Lãi lớn nhưng vẫn rút
Dù lãi lớn, nhưng khi chia sẻ về kế hoạch sắp tới, anh N. thẳng thắn cho rằng sẽ không liều lao theo đầu tư đất ở quê nữa. Vì theo anh, giá đất nông thôn thời điểm này đã quá cao so với giá trị thực. Bên cạnh đó, việc mua bán cũng chỉ là nhà đầu tư, về dài hạn việc mua bán khó thanh khoản hơn do không có nhiều nhu cầu thực.
"Giá đất đã đồng loạt tăng theo nhu cầu đầu cơ. Đây là nhu cầu không bền vững như nhu cầu thực. Tôi dự đoán, nhu cầu đầu cơ đất đai sẽ giảm khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, giá đất lúc đó cũng sẽ không tăng, cá biệt sẽ có nơi giảm… nếu nhà đầu tư phải vay tiền ngân hàng", anh N. phân tích.
Theo anh Khải - một môi giới nhà đất khu vực huyện Giao Thủy (Nam Định) - thị trường đất nông thôn ở các huyện của Nam Định khá sôi động trong 2 năm qua, có hiện tượng "sốt nóng" sau Tết Nguyên đán vừa qua. Khách về mua đất chủ yếu là người từ nơi khác, còn nhà đầu tư tay ngang từ môi giới sang thì ở địa phương, nhưng không nhiều.
Cũng theo anh Khải, điểm chung của thị trường hiện nay là mua đi bán lại giữa các nhà đầu tư. Người có đất chỉ bán khi có lãi, còn nhà đầu tư mới thì buộc phải chấp nhận mua giá cao.
Tuy nhiên, anh Khải và không ít môi giới khác ở đây cũng thừa nhận, giá đất nông thôn ở đây đã quá cao so với giá trị thực. Chưa thể dự đoán được lúc nào thị trường ở đây sẽ đạt đỉnh, nhưng chắc chắn người có kinh nghiệm chốt lời đúng thời điểm sẽ có lãi, còn người non kinh nghiệm sẽ "chôn vốn" trong cuộc chơi của những nhà đầu tư.
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia Trần Minh - nhà tư vấn đầu tư và quản lý bất động sản cá nhân - cho hay nguyên nhân gây "sốt đất" ở nông thôn thì có nhiều nhưng thường có mấy nguyên nhân chính.
Đầu tiên là lãi suất ngân hàng thấp nên người dân có tâm lý rút tiền gửi ra mua đất, coi đất là kênh trú ẩn.
Tiếp đó, tại các thành phố lớn và và vùng ven, giá bất động sản đang tăng nhanh. Khi giá tăng thì giới đầu cơ, nhà đầu tư, sàn bất động sản, môi giới tìm về vùng nông thôn lân cận làm cho giá đất tăng nóng như trong thời gian qua.
Thêm vào đó, việc thiếu nguồn cung với việc nguồn cung tại một số địa phương chủ yếu là đất đấu giá, đất dân thì sẽ kích thích sự quan tâm và đẩy giá đất tăng mạnh.
Ngoài ra, quy hoạch mở đường, xây nhà máy, khu công nghiệp mở rộng về vùng nông thôn cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư, đầu cơ, môi giới về "săn" đất, làm thị trường đất nông thôn bị đẩy giá.