Đông chí - ngày đặc biệt của người Nhật

Minh Hương

(Dân trí) - Người Nhật lưu giữ nhiều tập tục truyền thống đúng dịp Đông chí để giữ ấm cơ thể, tránh bị bệnh khi thời tiết ngày càng lạnh và để đánh dấu một ngày đặc biệt trong năm.

Ngày Đông chí được gọi là Toji trong tiếng Nhật, là ngày có đêm dài nhất trong năm, đánh dấu thời điểm chuyển mùa. Trước ngày Đông chí, ban ngày thường khá ngắn. Sau ngày này, thời gian ban ngày trở nên dài hơn, ánh mặt trời chiếu sáng lâu hơn.

Vì vậy, người Nhật coi ngày Đông chí như thời điểm con người và thiên nhiên được tiếp thêm sức sống mới. Thời điểm chuyển từ ngày ngắn sáng ngày dài cũng mang ý nghĩa chuyển từ tiêu cực sang tích cực và người người sẽ gặp thêm nhiều may mắn trước thềm năm mới.

Người Nhật có nhiều tập tục truyền thống trong ngày Đông chí để giữ ấm cơ thể, tránh bị bệnh khi thời tiết ngày càng lạnh và để đánh dấu ngày đặc biệt này trong năm.

Tắm yuzu

Đông chí - ngày đặc biệt của người Nhật - 1

Người Nhật có truyền thống tắm yuzu trong ngày Đông chí. Ảnh: Wattention

Người Nhật rất thích tắm. Văn hóa tắm onsen của người Nhật đã nổi tiếng trên khắp thế giới. Tới ngày Đông chí, người Nhật cho thêm vào nước tắm những lát yuzu - một loại quả họ cam chanh. Tắm yuzu đã trở thành truyền thống ngày Đông chí tại Nhật Bản. Tập tục này được cho là có từ thời Edo (1603-1868).

Những trái yuzu chứa nhiều vitamin C, rất tốt cho cơ thể, tăng sức đề kháng chống lại cảm lạnh và cảm cúm trong mùa đông. Những trái yuzu còn mang lại hương thơm đặc trưng cho nước tắm.

Chính vì vậy, người Nhật có thói quen ăn yuzu và xát những lát yuzu lên da khi tắm trong ngày Đông chí. Trái yuzu còn được cho là có khả năng giúp người dân tránh xa khỏi ác quỷ và những điều không may.

Ăn bí ngô

Đông chí - ngày đặc biệt của người Nhật - 2

Bí ngô là món ăn truyền thống trong ngày Đông chí tại Nhật. Ảnh: Wattention

Món ăn đặc trưng trong ngày Đông chí tại Nhật Bản là bí ngô, tên trong tiếng Nhật là kabocha. Từ thời cổ đại, thời tiết giá lạnh mùa đông khiến không nhiều loại rau củ chống chịu được, nhưng bí ngô vẫn sinh trưởng tốt trong giai đoạn này. Những vitamin trong bí ngô còn có tác dụng tăng sức đề kháng, phòng bệnh trong mùa đông.

Ngoài ra, người Nhật còn ăn những món ăn chế biến từ các loại rau củ mang ý nghĩa may mắn như cà rốt, củ cải trắng, mì udon, hạt bạch quả.

Đi đền cầu may

Xuất phát từ quan điểm ngày Đông chí là thời điểm kết thúc mùa đông, khởi đầu mùa xuân cũng như kết thúc những điều tồi tệ để chờ đón những điều tốt đẹp, người Nhật thường đến các ngôi đền để xin vật cầu may Ichiyoraifuku. Từ ngày Đông chí tới ngày Setsubun (ngày 3/2 năm sau), một số ngôi đền Nhật Bản sẽ bán những vật cầu may cho người dân.

Tại Tokyo, ngôi đền bán vật cầu may được nhiều người dân tìm tới là đền Anahachiman-gu. Đây còn là ngôi đền thờ vị thần của sự giàu có, của cải nên những vật cầu may tại đây còn được cho là mang tới vận may về tài chính cho người dân.