Doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đối mặt với các khoản nợ khổng lồ
Sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) đưa ra chính sách thắt chặt tín dụng cho vay bất động sản tại các thành phố lớn, nguy cơ bong bóng bất động sản vẫn chưa thể hạ nhiệt.
Đối với nhiều người đàn ông độc thân tại Trung Quốc, việc mua một căn hộ là điều kiện tiên quyết cho hôn nhân của họ.
Doanh nghiệp vật lộn với các khoản vay
Anh Yan Zhong - một người đàn ông 34 tuổi hiện đang sống tại thành phố Tế Nam - phía Bắc Trung Quốc có ý định sẽ mua một căn hộ rồi mới cưới vợ. Nhưng gần đây, anh Yan bắt đầu có thay đổi suy nghĩ của mình, ít nhất là về việc mua nhà. "Tôi đang cân nhắc về việc có nên mua căn hộ hay không.”
Yan vẫn có ý định kết hôn trong tương lai gần, nhưng anh ngày càng lo ngại về thị trường nhà đất của Trung Quốc. Ngay cả tại một thành phố chỉ được xếp "hạng hai" như Tế Nam, một căn hộ rộng 100 mét vuông đã có giá lên tới khoảng 2 triệu CNY – tương đương 297.000 USD.
Anh Yan làm việc cho một tổ chức môi trường với mức lương chỉ 6.000 CNY. Sau rất nhiều năm nỗ lực tiết kiệm, cùng với sự hỗ trợ tài chính của gia đình thì anh cũng mới có được một nửa số tiền cần thiết để mua nhà. "Nếu như mua nhà, thì phần lớn thu nhập của tôi sẽ phải dành cho việc trả góp nhà. Như thế thì tôi sẽ chẳng còn tiền để duy trì cuộc sống", anh Yan nói. "Nếu bạn gái tôi không ngại việc thuê nhà, có lẽ tôi sẽ bỏ hẳn ý định mua nhà. "
Giới chuyên gia lo ngại bong bóng bất động sản một thời của Trung Quốc đang có dấu hiệu bị vỡ, thêm vào đó là một loạt những cảnh báo, những nguy cơ suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc. Các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng chẳng thể nào cải thiện được niềm tin của người tiêu dùng khi họ bắt đầu cảm nhận được những tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Một sự bùng nổ trong trào lưu xây dựng các tòa nhà chung cư lớn trên khắp Trung Quốc, từ các thành phố hàng đầu như Thượng Hải, Bắc Kinh cho đến các thành phố cấp hai như Tế Nam, đã cho ra đời tới 65 triệu căn hộ trống trên khắp Trung Quốc.
Mặc dù giới phân tích vẫn hy vọng rằng doanh số bán nhà của Trung Quốc sẽ tăng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tuy nhiên họ dường như đã quên đi chi tiết rằng quá nhiều công ty bất động sản đang phải đối mặt với các khoản nợ khổng lồ.
Trong một kết quả khảo sát của Moody, có tới 51/61 công ty bất động sản Trung Quốc đang phải vật lộn với các khoản vay để phát triển thị trường của họ. Chuyên gia tín dụng Kaven Tsang của Moody’s Hongkong dự đoán giá bán căn hộ tại Trung Quốc sẽ “tương đối ổn định, nhưng doanh số dựa trên các hợp đồng mua bán sẽ giảm 5% so với mức của năm 2018”.
“Đau đầu” các nhà hoạch định
Lĩnh vực bất động sản tăng trưởng chậm lại là một vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc. Trong nhiều năm, bất động sản đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, thúc đẩy đầu tư và tạo ngân sách cho chính quyền địa phương.
Khoảng 25% GDP của Trung Quốc đã được tạo ra từ các ngành liên quan đến bất động sản. Và nhà ở là một hình thức tích lũy tài sản quan trọng ở Trung Quốc, nơi người dân bị hạn chế trong lĩnh vực đầu tư có yếu tố nước ngoài, và có ít lựa chọn trong nước bên cạnh thị trường chứng khoán địa phương, vốn đã mất 25% giá trị vào năm ngoái.
Sự sụt giảm giá nhà tại Trung Quốc cũng đã gây ra tình trạng bất ổn xã hội, vốn là một vấn đề mà Bắc Kinh tìm cách tránh bằng mọi giá. Vào tháng 10 năm ngoái, rất nhiều người mua nhà ở Thượng Hải đã xuống đường biểu tình để phản đối quyết định giảm giá của một chủ đầu tư căn hộ tại đây. Người dân xuống đường, mang theo những băng rôn tố cáo các sai phạm của nhà đầu tư, cũng như yêu cầu nhà đầu tư: "Hãy trả lại cho chúng tôi giá trị thực sự của ngôi nhà!"
Chính quyền Trung Quốc, vốn từ lâu đã có kinh nghiệm rằng các tranh chấp dân sự thế này có thể làm bùng phát các cuộc biểu tình quy mô rộng lớn hơn, nhằm phản đối những chính sách độc đoán hơn. Đặc biệt, 2019 lại là năm mà đất nước này kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - được xem là ngày thành lập Trung Quốc hiện đại - và kỷ niệm 30 năm cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989.
Ngay cả khi chính phủ Trung Quốc có cố gắng để đứng ngoài những rủi ro đối với ngành bất động sản thì theo Giáo sư Xiang Songzuo tại Đại học Renmin danh tiếng tại Bắc Kinh, trong một bài phát biểu tại Thượng Hải ngày 20/1 vừa qua đã nói rằng, ngành bất động sản quốc gia này là một “con tê giác xám nghiêm trọng” đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay.
Theo Việt Nga
Diễn đàn Doanh nghiệp