Doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đang chơi "Trò chơi con mực"?

(Dân trí) - Bộ phim "Trò chơi con mực" tàn khốc của Hàn Quốc dường như là phép ẩn dụ thực sự cho những gì đang xảy ra với các nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc.

Bộ phim Squid Game (Trò chơi con mực) đang trở thành bộ phim ăn khách nhất từ trước tới nay của Netflix. Phim kể về những người nghèo khổ và tuyệt vọng bước vào một trò chơi khốc liệt với hai kết cục: chết hoặc được thưởng 40 triệu USD tiền mặt.

Doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đang chơi Trò chơi con mực? - 1

Bộ phim Squid Game (Trò chơi con mực) đang trở thành bộ phim ăn khách nhất từ trước tới nay của Netflix (Ảnh: Bloomberg).

Bộ phim pha trộn giữa 2 tác phẩm "The Hunger Games" (Đấu trường sinh tử) và phim "Parasite" (Ký sinh trùng) đã làm mưa làm gió trên toàn cầu. Trong khi nhiều người xem đây là một cuộc chiến giai cấp, thì cốt truyện của "Trò chơi con mực" đang gây xôn xao trong cộng đồng doanh nghiệp ở Trung Quốc.

Trong trò chơi đầu tiên của bộ phim, một con búp bê có kích thích lớn hơn người thật ra lệnh cho người chơi chạy khi búp bê kêu "đèn xanh". Những ai không thể đứng yên khi búp bê kêu "đèn đỏ" hay không thể vượt qua vạch đích kịp thời sẽ bị giết.

Bloomberg cho rằng, điều này dường như là những gì mà các nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc đang chơi hiện nay.

Mùa hè năm ngoái, Trung Quốc đã chính thức áp dụng "ba lằn ranh đỏ" nhằm kiềm chế nợ của các nhà phát triển bất động sản nước này và đưa ra những giới hạn mà họ không được vượt qua. Đó là một yếu tố thay đổi cuộc chơi của ngành bất động sản chiếm khoảng 15% nền kinh tế Trung Quốc.

Các mệnh lệnh từ trên xuống tuyệt đối đến mức các nhà phát triển không còn có thể thu lợi nhuận từ việc xây dựng các khu dân cư. Một số thành phố còn áp dụng biện pháp kiểm soát giá cả khiến cho doanh số bán nhà mới sụt giảm. Trong khi đó, các kênh bơm vốn cho các nhà phát triển bất động sản bao gồm tài trợ chuỗi cung ứng hàng ngày đang cạn kiệt.

Với khoản nợ hơn 300 tỷ USD, China Evergrande Group - nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc - đang bên bờ vực vỡ nợ. Country Garden Holding - công ty xây dựng nhà ở lớn nhất Trung Quốc - cũng đã giảm 28% vốn hóa thị trường trong năm nay xuống còn 22 tỷ USD.

Nói cách khác, nếu bạn là nhà phát triển bất động sản tư nhân hãy đứng yên, bởi việc xây dựng nhà ở dân dụng không còn dành cho bạn nữa.

Cũng như con người, các doanh nghiệp cũng có bản năng sinh tồn. Các công ty đều muốn có thể thanh toán được các hóa đơn và kiếm lợi nhuận. Trong thời đại của "ba lằn ranh đỏ" mà các công ty bất động sản không thể vượt qua, lĩnh vực kinh doanh quản lý bất động sản là lĩnh vực duy nhất hiện nay được "bật đèn xanh". Các nhà xây dựng ở Trung Quốc bây giờ lại muốn trở thành nhà quản lý tòa nhà.

Việc bán nhà mới không còn là ý tưởng phù hợp trong mùa hè vừa qua khi sáng kiến "thịnh vượng chung" đang bắt buộc các nhà phát triển phải hạ nhiệt giá nhà để giảm bớt gánh nặng cho tầng lớp trung lưu, thu hẹp chênh lệch giàu nghèo. Nhưng quản lý bất động sản vẫn được chấp nhận, không ai ở Trung Quốc phàn nàn về phí dịch vụ tăng.

Điều này giải thích cho sự bùng nổ các thương vụ mua lại trong lĩnh vực quản lý bất động sản và tình trạng thiếu hụt các dự án phát triển, thậm chí không còn những dự án với giá bán cao ngất ngưởng. Nắm bắt được xu hướng này, Country Garden tham gia rất tích cực các hoạt động mua lại đó. Trong khi Evergrande lại tranh thủ bán công ty con quản lý tài sản để có tiền trả nợ. Theo đó, Evergrande đang bán 51% cổ phần của Evergrande Property Services Group với giá hơn 40 tỷ đô la Hồng Kông (5,1 tỷ USD) cho Tập đoàn Hopson Development Holding.

Trong nửa đầu năm nay, 12 công ty quản lý bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán do CLSA theo dõi đã báo cáo thu nhập ròng tăng 70% so với 12 tháng trước. Country Garden Service Holdings - một đơn vị quản lý tài sản của Tập đoàn Country Garden - đang dẫn đầu thị trường khi tăng 15% trong năm nay. Giá cổ phiếu giao dịch ở mức gấp 36 lần thu nhập dự phóng năm 2021. Công ty này còn có vốn hóa thị trường cao hơn đơn vị phát triển cốt lõi của công ty mẹ, vốn được định giá gấp 4 lần thu nhập.

Nhưng "đèn xanh", "đèn đỏ" chỉ là trò chơi đầu tiên trong 6 trò chơi của "Trò chơi con mực". Sẽ có những cuộc chiến giằng co khốc liệt hơn, những liên minh phù hợp và những cuộc phản bội kịch tính. "Bạn là ai" - một câu hỏi đơn giản xuyên suốt bộ phim dường như cũng là câu hỏi mà các tập đoàn bất động sản của Trung Quốc đang tự hỏi khi buộc phải chuyển mình giữa cuộc khủng hoảng kinh doanh hiện nay. Các nhà hoạch định chính sách nước này liệu có thiết lập lại cuộc chơi cho lĩnh vực này có lợi và ổn định hơn trong tương lai hay chỉ quan sát xem ai có thể sống sót?