Điều chỉnh quy hoạch thành phố Nam Định, lấy sông Đào làm trục trung tâm
Theo Quyết định vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Nam Định sẽ mở rộng khá nhiều về phía Nam theo hướng đưa sông Đào thành trục trung tâm của thành phố thay cho vị trí ven đô hiện nay.
Ngày 2/10, UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã công bố Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Viện quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia đã trao hồ sơm đồ án quy hoạch cho lãnh đạo UBND thành phố Nam Định, Sở Xây Dựng và Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Nam Định.
Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ thành phố Nam Định hiện nay (diện tích 46,41 km2); huyện Mỹ Lộc (74,49 km2); 3 xã Đại An, Thành Lợi, Tân Thành của huyện Vụ Bản (26,48 km2) và 5 xã: Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá, Nghĩa An của huyện Nam Trực (40,6 km2), với tổng diện tích khoảng 187,99 km2.
Quy mô dân số của thành phố Nam Định đến năm 2030 khoảng 520.000 người; trong đó dân số nội thị khoảng 384.500 người. Đến năm 2040, dân số khoảng 600.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 485.000 người.
Về định hướng phát triển không gian, thành phố Nam Định sẽ phát triển theo mô hình đa cực, lấy sông Đào và đô thị trung tâm hiện hữu làm trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị về hướng Tây Bắc và Đông Nam theo hành lang trục quốc lộ 21B, đường vành đai 2 mới, với 3 vùng phát triển.
Theo đó, vùng phát triển đô thị trung tâm hiện hữu với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh và thành phố gắn với phát triển không gian đô thị hiện hữu Nam Định.
Vùng phát triển đô thị về phía Tây và Tây Bắc gắn với hệ sinh thái tự nhiên huyện Mỹ Lộc, với chức năng đô thị thông minh, với các trung tâm giáo dục, thể dục thể thao cấp vùng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại.
Vùng phát triển phía Đông Nam với chức năng đô thị dịch vụ, du lịch, vùng bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái tự nhiên gắn với các dịch vụ hỗ trợ thành phố Nam Định.
Về hệ thống trung tâm, trong đó, trung tâm hành chính tỉnh cải tạo nâng cấp trên cơ sở hiện trạng. Trung tâm hành chính thành phố xây dựng mới tại Khu đô thị Thống Nhất, quy mô khoảng 1,1 ha. Trung tâm văn hóa cấp đô thị xây mới tại khu vực tại khu đô thị mới Nam sông Đào và khu đô thị mới Tây Bắc; cải tạo và hoàn thiện mạng lưới công trình văn hóa tại các khu đô thị.
Trung tâm giáo dục đào tạo cấp vùng xây mới tại khu vực đô thị mới phía Tây quy mô khoảng 120 ha; nâng cấp cải tạo các trường đại học, cao đẳng hiện hữu và khu vực phía Nam sông Đào; cải tạo nâng cấp 14 trường trung học phổ thông hiện trạng, xây dựng mới trường Trung học Phổ thông Lê Hồng Phong và bổ sung 6 trường Trung học Phổ thông.
Về trung tâm y tế, xây dựng bệnh viện đa khoa tỉnh tại khu đô thị Mỹ Trung quy mô 700 giường, diện tích 9,25 ha; xây dựng 1 trung tâm y tế cấp đô thị tại khu vực Nam sông Đào, quy mô khoảng 4 ha; xây dựng bổ sung các trung tâm y tế theo quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố theo từng giai đoạn.
Theo đại diện UBND tỉnh Nam Định, phê duyệt này nằm trong mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX (vừa diễn ra từ ngày 23 đến ngày 25/9/2020) đã đề ra là "thực hiện đồng bộ các giải pháp để khôi phục và phát triển TP Nam Định là 1 trong 3 thành phố lớn của miền Bắc và là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 109/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 6 chức năng trung tâm vùng: Công nghiệp; giáo dục-đào tạo; khoa học-công nghệ; y tế; văn hóa, du lịch; thể thao theo quy hoạch địa giới hành chính thành phố mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt".