Điểm nóng "sốt" đất: Xóm làng bình yên, hết dịp đẩy giá theo giờ

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Ghi nhận tại nhiều nơi mới xảy ra "sốt" đất như Đông Anh, Ứng Hòa, Thạch Thất… cho thấy giá bất động sản đến thời điểm này đã không còn "nhảy múa", không khí mua bán "lặng như tờ".

Hết cảnh "cò mồi" thường xuyên quy tụ

Cách đây hơn 2 tháng, trong vai nhà đầu tư đi tìm hiểu mua đất đón quy hoạch đô thị sông Hồng, phóng viên gặp gỡ nhiều môi giới bất động sản. Rất nhiều trong số này là các "cò" đất kiêm chủ tạp hóa, quán nước, xe ôm...

Thời điểm chúng tôi gặp ông N., một môi giới kỳ cựu khu vực Đông Anh, cửa hàng tạp hóa nhà ông chật cứng vì hơn 10m2 nhưng có tới vài nhóm khách đến hỏi chuyện đất cát.

Nhưng hiện tại, ông N. thở dài: "Giờ khách xem, hỏi thôi cũng ít hẳn". Nhưng với "bản năng" nghề nghiệp, ông không quên mời chào: "Nhưng chính lúc thị trường đi xuống như thế này, đầu tư lại dễ đấy. Đợt nọ nhiều khách đòi cọc rồi chủ nhà lại không bán đấy".

Trả lời về giá cả, ông  N. cho biết, mấy lô đất đang rao chủ vẫn kiên quyết giữ giá. "Chủ thì muốn giữ giá không bán rẻ, khách thì kêu hết sốt đòi mua kiểu cắt lỗ. Thị trường những lúc như thế này chán lắm", ông N. chia sẻ.

Điểm nóng sốt đất: Xóm làng bình yên, hết dịp đẩy giá theo giờ - 1
Đất ven sông Hồng hạ nhiệt.

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong quý I/2021, hiện tượng sôi động, nhộn nhịp diễn ra tại một số khu vực như Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm. Đặc biệt sau khi có thông tin chuẩn bị công bố quy hoạch đô thị ven sông Hồng, giá đất trong dân tại các khu vực vùng ven hiện bị đẩy lên khoảng 50 - 60% so với quý IV/2020, thậm chí có những nơi tăng 100%. Hiện nay, giá đất tại các vùng ven đô, chuẩn bị lên quận đang ở ngưỡng 30 - 50 triệu đồng/m2.

Theo tìm hiểu của Dân trí, khu vực Đông Anh đã trải qua nhiều tăng giá. Cách đây chưa đến chục năm, một khu đất đấu giá ngay gần mặt đường to khu vực Xuân Canh, Đông Anh có giá khởi điểm 6 triệu đồng/m2, sau đó lên 30 triệu đồng/m2 và thời điểm hiện nay vào khoảng 60-80 triệu đồng/m2. Ở một số khu khác, giá đất trong làng, trong ngõ cũng lên 30-40 triệu đồng/m2.

Không chỉ Đông Anh, Thạch Thất cũng là khu vực từng xảy ra "sốt đất". Bất chấp những ngày cao trào chống dịch Covid-19, đám đông "cò mồi", nhà đầu tư vẫn làm náo loạn khu vực Đồng Trúc, huyện Thạch Thất. Cảnh tượng giờ không còn nữa, làng quê trở lại yên bình.

Theo Hội môi giới bất động sản, tại khu vực Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức… giá đất làng xã đã được "đẩy" lên mức 25-30 triệu đồng/m2, tăng mạnh so với những năm trước.

"Nhiều "cò mồi" thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc", lãnh đạo Hội môi giới thông tin.

Còn tại thời điểm này, theo ghi nhận, bóng dáng của cơn "sốt đất" đã biến mất hẳn, chỉ còn lại vài dòng chữ rao bán bất động sản ở bờ tường một số chỗ.

Một thị trường khác cũng bình lặng sau cơn "sốt" ảo là Ứng Hòa. Vào cuối năm 2020, đất Ứng Hòa cũng bỗng nhiên tăng giá dựng đứng khi có thông tin đề xuất xây dựng sân bay thứ hai tại khu vực này. Giới đầu cơ thi nhau tìm về, "cơn sốt" ập đến.

Tuy nhiên, đến nay thị trường "lặng như tờ" khi có thông tin Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị quy hoạch sân bay quốc tế đặt tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.

Giao dịch thực ít, chủ yếu là lướt cọc

Đặc điểm chung hầu hết tại những khu vực sốt ảo đó là giao dịch chính thức được ghi nhận hầu như rất ít. Theo Bộ Xây dựng, hình thức giao dịch tại các khu vực sốt đất chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.

Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, vừa qua với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành cùng chính quyền địa phương, thị trường đã có những dấu hiệu "hạ nhiệt".

Theo vị này, thị trường đã giảm hiện tượng tụ tập theo đám đông, đến đua nhau mua bán "xôn xao". Giá đất cũng không bị đẩy lên khi chính quyền các địa phương có những biện pháp quyết liệt.

Điểm nóng sốt đất: Xóm làng bình yên, hết dịp đẩy giá theo giờ - 2

Giá đất hết thời tăng theo giờ.

Cũng theo lãnh đạo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, kiểm soát tín dụng cũng là biện pháp hiệu quả. Khi không còn nhiều người đổ xô vào nữa thì giá đất sẽ không có cơ hội bị "thổi", giá cả sẽ sớm quay về giá trị thực.

Với việc vào cuộc của chính quyền địa phương, lãnh đạo Hội môi giới dự báo giá đất trong quý II sẽ được kiểm soát và không tăng so với quý I. Thậm chí, một số khu vực sẽ xuất hiện giảm giá, cắt lỗ.

"Đất nền vẫn là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương ngoài Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, sau thời gian nóng sốt, các nhà đầu cơ sẽ rời khỏi thị trường, lực cầu đầu tư sẽ giảm mạnh", lãnh đạo Hội môi giới nhận định.