Dịch Covid-19 "lượn lờ", người mua bất động sản dè dặt "xuống tiền", chờ thời bắt đáy

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến người mua nhà đất lẫn các nhà đầu tư trở nên dè dặt, đắn đo hơn khi "xuống tiền" mua bất động sản. Nhiều nhà đầu tư đang chờ thời điểm để bắt đáy, khiến không ít doanh nghiệp lao đao vì hàng tồn kho lớn.

Người mua bất động sản dè dặt "xuống tiền"

Dịch Covid-19 xuất hiện trở lại ở nhiều tỉnh thành khiến thị trường bất động sản gặp thêm nhiều khó khăn, trong đó có sự thận trọng, e dè của người mua lẫn nhà đầu tư.

Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, thời điểm này cả nhà đầu tư và người dân đang dần thay đổi lối sống, tiêu dùng, họ trở nên thận trọng hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, người dân sẽ tập trung vào việc giữ tiền mặt để ưu tiên những nhu cầu thiết yếu, hạn chế tập trung đi lại, sẽ ảnh hưởng đến sức mua của bất động sản.

Bên cạnh đó, ở một số loại hình bất động sản khung pháp lý chưa rõ ràng như Condotel cũng ảnh hưởng đến tâm lý của người mua bất động sản.

Ngoài ra, thời điểm hiện nay xuất hiện nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn bất động sản cũng khiến tâm lý người mua bị xao động. Trong đó đáng chú ý là kênh đầu tư vào vàng. Từ đầu năm đến nay, vàng thế giới tăng 27%, trong khi tại Việt Nam, giá kim loại quý cũng đã tăng tới 29%.

Thời gian qua, sau khi dịch Covid-19 bùng phát lần 1 khiến tâm lý của người mua bất động sản đã bị ảnh hưởng do còn nghi ngại dịch có thể tiếp tục bùng phát. Giờ đây, khi dịch bệnh tiếp tục tái bùng phát trên nhiều tỉnh thành khiến nhiều ca nhiễm dương tính mới và khiến 15 ca tử vong đã gây thêm trở ngại cho thị trường bất động sản nói chung khi tâm lý của người mua có xu hướng e dè hơn.

Dịch Covid-19 lượn lờ, người mua bất động sản dè dặt xuống tiền, chờ thời bắt đáy - 1

Người mua bất động sản trở nên dè dặt hơn khi dịch Covid-19 tái bùng phát. Ảnh: V.D

Theo ghi nhận, đa số hiện nay người mua bất động sản đang có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng, xem xét tình hình thay vì xuống tiền nhanh như trước đây. Trong đó một số nhà đầu tư đang có xu hướng bắt đáy để ôm hàng.

Thế nhưng, hiện mức độ giảm giá của toàn thị trường bất động sản chưa thể hiện ở thời điểm này. Có chăng, chỉ một số sản phẩm có xu hướng giảm giá trên thị trường thứ cấp để ra được hàng do sử dụng đòn bẩy tài chính.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, mặc dù nhà đầu tư, người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn, tính toán hơn trong việc xuống tiền nhưng nếu cung hợp lý thì lực cầu cũng vẫn rất tốt. Thị trường lúc này là cơ hội cho những người chấp nhận rủi ro vào thị trường.

Doanh nghiệp cần chiến lược để trụ vững

Các chuyên gia kinh tế nhận định, bối cảnh thị trường hiện nay chính là phép thử sức bền đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Giai đoạn 2017-2018 là những năm phát triển rực rỡ nhất của các doanh nghiệp môi giới BĐS. Cuối năm 2018, đã có những đánh giá về thị trường, năm 2019 đã có sự chuẩn bị, nhưng sang năm đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã có những tác động bất ngờ. Theo đó, có những thời điểm doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm tới 50-70%.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng, giai đoạn khó khăn này là giai đoạn phép thử cho doanh nghiệp bất động sản nói chung, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập. Đây sẽ là bước đệm để các doanh nghiệp nhìn nhận lại mình và trong một vài năm tới sẽ đón đầu xu hướng đi lên của thị trường.

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến không ít doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình thế khó khăn. Báo cáo tài chính quý 2 của các doanh nghiệp địa ốc cho thấy, không chỉ sụt giảm mạnh về lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp còn chịu áp lực lớn từ chi phí lãi vay, hàng tồn kho lớn và thua lỗ.

Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, đầu năm 2020 lượng cung có sự phục hồi nhất định, nhưng lại gặp biến cố bởi dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều sụt giao dịch. Tuy nhiên, khi được hỏi thì hầu hết các doanh nghiệp bất động sản sẽ tăng tốc trong quý 3 để về đích cuối năm.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, dù gặp khó khăn từ cuối năm 2019, sang đầu năm 2020 nhưng doanh nghiệp bất động sản đã có sự chuẩn bị để vượt qua khó khăn ít nhất là giai đoạn này.

Doanh số của các doanh nghiệp có lúc giảm tới 70-80% nhưng lượng lao động của doanh nghiệp vẫn không bị giảm nhiều. Có lẽ hỗ trợ mãnh liệt nhất chính là làm sao khống chế được dịch, hoạt động thị trường BĐS sẽ quay trở lại bình thường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm