Dịch bùng phát, người mua nhà trả góp lao đao, “đuối” trong thanh toán

Quế Sơn

(Dân trí) - Nhiều người chọn giải pháp mua nhà thông qua vay ngân hàng sau khi đã thanh toán được một ít. Dịch bệnh tái bùng phát khiến không ít người “đuối” trong thanh toán.

Đuối sức

Vào giai đoạn thị trường địa ốc bùng nổ, nhiều người dân có thu nhập trung bình đến khá liều mua nhà. Lúc đó có nhiều phân khúc để lựa chọn. Người mua đa phần chọn giải pháp đóng trước 30% và nhờ vào hỗ trợ của ngân hàng đối với phần còn lại.

Tuy nhiên, dịch bùng phát đã khiến thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Qua đó, không ít khách mua nhà không chịu nổi hoặc mất khả năng thanh toán lãi vay của ngân hàng khi mua nhà.

Dịch bùng phát, người mua nhà trả góp lao đao, “đuối” trong thanh toán - 1
Người mua nhà “đuối” trong thanh toán

Anh Phạm Văn Tin (ngụ quận 6) cho biết, sau khi đóng 30% để mua một căn hộ diện tích 63m2 thuộc một dự án tại quận 6, thì đã nhờ ngân hàng hỗ trợ vay để trả phần còn lại. Tưởng chừng mọi chuyện sẽ đi đúng quỹ đạo đã tính, nhưng dịch bệnh khiến công việc anh Tin không thuận lợi. Nguồn thu nhập bấp bênh, anh Tin mất dần khả năng thanh toán lãi vay của ngân hàng.

Xoay đủ cách, nhưng anh Tin chỉ có thể cầm cự được 2 tháng. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài đã khiến anh Tin phải rao bán căn hộ của mình ngang với giá chủ đầu tư với hi vọng thu hồi được phần tiền đã đóng.

“Mình đã cố gắng lắm rồi nhưng công việc hiện tại vẫn chưa đi vào ổn định vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Người thân khi biết mình mua nhà rất vui mừng vì có chỗ để an cư lạc nghiệp, nhưng giờ thì đuối sức để thanh toán những đợt còn lại. Nếu không giải quyết dứt điểm mà để kéo dài thì càng khó bán hơn nữa…”, anh Tin tâm sự.

Tương tự, chị Lê Thị Hồng Thanh (ngụ quận Bình Tân) đang làm nhân viên tổng đài tại một công ty tại quận Tân Phú. Chồng chị đang làm xây dựng và tổng thu nhập của gia đình rơi vào khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Cuối năm 2019, nhờ vào sự giúp sức của người thân, gia đình chị Thanh mua một căn hộ ở quận 8 với giá gần 2 tỷ đồng, có vay ngân hàng. Tuy nhiên, tác động của Covid-19 khiến chị Thanh tạm nghỉ việc vì không ai trông con. Còn chồng chị bị cắt giảm lương để cùng công ty vượt qua khó khăn.

Dịch bùng phát, người mua nhà trả góp lao đao, “đuối” trong thanh toán - 2
Không ít người không chịu nổi hoặc mất khả năng thanh toán lãi vay của ngân hàng khi mua nhà

Khi dịch tái bùng phát khiến công việc của gia đình chị Thanh chưa kịp ổn định, rồi phải trở lại trạng thái như cũ, từ đó thu nhập tiếp tục bấp bênh. Hiện nay, gia đình chị Thanh đang chịu áp lực vô cùng lớn khi vừa trả nợ người thân và ngân hàng, dẫn đến gặp rất nhiều khó khăn.

“Mỗi tháng tốn hơn 10 triệu đồng để đóng cho ngân hàng. Đó là chưa kể khi người thân cần tiền thì không biết xoay bằng cách nào. Còn nhiều chi phí sinh hoạt của gia đình, con nhỏ, trong khi đó thu nhập đã giảm mạnh kể từ khi dịch bệnh. Tôi đang nhờ người rao bán căn hộ nhưng cũng rất khó tìm khách hàng trong giai đoạn này”, chị Thanh than thở.

Dịch bùng phát, người mua nhà trả góp lao đao, “đuối” trong thanh toán - 3
Người mua đa phần chọn giải pháp đóng trước 30% và nhờ vào hỗ trợ của ngân hàng đối với phần còn lại

Cần có kế hoạch hỗ trợ

Qua tìm hiểu, lãi suất vay mua nhà dành cho khách hàng cá nhân dù đã giảm đáng kể so với trước đây nhưng vẫn còn khá cao so với các phân khúc khác. Hiện nhiều người phải vay ngân hàng mua nhà trả góp với mức lãi suất 10-11,5%/năm. Trong khi đó mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dài chỉ 6-7%/năm.

Hiện tại, một số ngân hàng thương mại đang triển khai nhiều gói vay ưu đãi, giảm lãi suất, nhưng chủ yếu cho doanh nghiệp và một số khách hàng cá nhân thuộc các ngành nghề bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; còn đối với khách hàng vay mua nhà thì chưa có chính sách.

Dịch bùng phát, người mua nhà trả góp lao đao, “đuối” trong thanh toán - 4
Dịch bệnh tái bùng phát đã khiến không ít người “đuối” trong thanh toán

Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, trong tình hình hiện nay, những người vay tiền mua nhà đang bị giảm thu nhập đáng kể trong khi vẫn phải đảm bảo trả một khoản nợ nhất định.

Nếu kinh tế suy giảm kéo dài sẽ xảy ra tình trạng gia tăng nợ xấu, và như vậy, các ngân hàng có thể siết nợ với các khoản vay. Việc ngân hàng có chính sách hỗ trợ người vay tiêu dùng cũng là hỗ trợ kích cầu, giúp tăng trưởng kinh tế.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, đã kiến nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi suất, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc... để vượt qua khó khăn do đại dịch theo tinh thần Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước.