Đề xuất nhà ở xã hội giá 15 triệu đồng/m2: Liệu có khả thi?

Việt Vũ

(Dân trí) - Theo các chuyên gia bất động sản, 15 triệu đồng/m2 là mức giá tối thiểu cho nhà ở xã hội và khó lòng giảm sâu hơn nữa.

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, ước tính vào năm 2020, cả nước cần khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay, nguồn cung mới chỉ giải quyết được 41,5%.

Trong đó, có 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội, 2,8 triệu m2 cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và 2,3 triệu m2 cho công nhân ở khu công nghiệp.

Đề xuất nhà ở xã hội giá 15 triệu đồng/m2: Liệu có khả thi? - 1

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp BĐS cho rằng mức giá nhà ở xã hội 15 triệu đồng/m2 là hợp lý. Ảnh: Quân Đỗ

Để khắc phục sự khan hiếm của nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục xử lý thêm một số giải pháp căn cơ như rà soát, bổ sung các quy hoạch, tạo điều kiện cấp phép các dự án; bố trí đủ quỹ đất, tăng cường đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào dự án.

"Tới đây sẽ sửa đổi căn bản Nghị định 100 tạo cơ chế đột phá hơn cho doanh nghiệp, người dân mua nhà ở xã hội. Chúng tôi cũng đang báo cáo Chính phủ hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán đến 15 triệu đồng/m2. Hiện cơ cấu nhà ở đô thị có diện tích nhỏ và giá dưới 1 tỷ đồng rất khan hiếm", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu.

Trao đổi với PV báo Dân trí, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cho rằng mức giá nhà ở xã hội 15 triệu đồng/m2 là hợp lý.

Tuy nhiên, để thực hiện được không phải chuyện dễ, bởi giá đất, giá vật tư, chi phí nhân công, vật liệu ngày càng leo thang. Đồng thời, các chính sách, bất cập vẫn chưa được tháo gỡ.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS (VARS) cho rằng, Bộ Xây dựng đã có nhiều nghiên cứu kỹ thị trường, giá nhân công, vật liệu xây dựng, thuế, giá đất,... Do đó, ở thời điểm hiện tại, mức giá 15 triệu đồng/m2 là hợp lý cho cả người mua lẫn doanh nghiệp.

Dù vậy, trên thị trường BĐS Hà Nội hiện nay vẫn còn một số dự án nhà ở xã hội có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, thậm chí là dưới 10 triệu đồng/m2. Đơn cử như dự án Bamboo Garden (Quốc Oai, Hà Nội), dự án AZ Thăng Long (Hoài Đức);....

Nhận định về điều này, ông Thanh thẳng thắn: 15 triệu đồng/m2 không mang lại nhiều lợi ích về mặt doanh thu cho chủ đầu tư, nhưng cũng không bị lỗ vốn. Do đó, nếu người dân mong chờ một mức giá thấp hơn nữa, dưới 15 triệu đồng là điều không thể.

“Còn những dự án đang bán với mức giá dưới 15 triệu đồng/m2, thường là hàng tồn từ nhiều năm trước, chi phí xây dựng thời điểm đó cũng thấp hơn hiện nay”, ông Thanh nói.

Đồng tình với quan điểm trên, một doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM kiến nghị, Bộ Xây dựng nên gấp rút tháo gỡ các nút thắt đang “bóp nghẹt” nhà ở xã hội, như tăng tỷ lệ lợi nhuận từ 10% lên 15%, hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất vay ưu đãi, cắt giảm một số thủ tục xin cấp phép;....

“Bộ trưởng đã hứa, thì phải thực hiện ngay, để hỗ trợ các doanh nghiệp đang có ý định phát triển nhà ở xã hội. Trong trường hợp, các vướng mắc này không được giải quyết, tình trạng khan hiếm nhà ở xã hội vẫn sẽ tiếp tục kéo dài. Đồng thời, dưới tác động của lạm phát, mức giá 15 triệu đồng/m2 sẽ bị phá vỡ”, vị này nói.