Đâu là thời điểm vàng để nhà đầu tư quay trở lại với bất động sản?

Quế Sơn

(Dân trí) - Có đến 923 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tạm ngừng hoạt động do tác động của Covid-19. Tuy nhiên, từ Tết Tân Sửu - năm 2021 được xem là thời điểm vàng cho nhà đầu tư trở lại với bất động sản.

Tại Hội thảo thường niên bất động sản vừa diễn ra, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, 10 tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường bất động sản trong 3 năm gần đây.

Thị trường bị sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

“Theo thống kê, có đến 923 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch Covid-19, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác; Ngân sách Nhà nước bị giảm mạnh nguồn thu từ bất động sản kể từ năm 2018 đến nay”, ông Châu chia sẻ.

Mặc dù bị tác động bởi đại dịch nhưng giá bán nhà trên thị trường sơ cấp vẫn “neo” ở mức cao; giá nhà chỉ giảm trên thị trường thứ cấp (hầu hết do bán lại, chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ) và thị trường bất động sản cho thuê; giao dịch bị sụt giảm dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản.

Đâu là thời điểm vàng để nhà đầu tư quay trở lại với bất động sản? - 1
Năm 2021 được đánh giá là thời điểm vàng cho thị trường bất động sản trở lại mạnh mẽ

Trong khi đó, đa số người tiêu dùng bị sụt giảm thu nhập làm giảm khả năng tạo lập nhà ở, đại dịch Covid-19 cũng đã tác động rất lớn đến phân khúc bất động sản cho thuê (văn phòng cho thuê; nhà, mặt bằng cho thuê; trung tâm thương mại cho thuê); bất động sản du lịch, condotel; môi giới bất động sản và khoảng 35 ngành nghề có liên quan bất động sản.

Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, từ nay đến Tết Âm lịch Tân Sửu (cũng là thời điểm vàng) và cả năm 2021, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại. Nguyên do là có những tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới.

Riêng tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa, sẽ tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, thị trường bất động sản TPHCM phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung - dài hạn, với những lực gia tốc mới.

“Tuy nhiên, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương trong khâu thực thi pháp luật, tháo gỡ ách tắc cho các dự án đầu tư, dự án nhà ở thương mại, để thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ đề ra, vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế vững chắc”, ông Châu nhấn mạnh.

Trước những khó khăn của thị trường, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở; tháo gỡ vướng mắc về thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và gỡ vướng về phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 sau khi nhà đầu tư đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND thành phố.

Đồng thời, cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở được khởi công xây dựng các công trình, đồng thời tiến hành thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án; đẩy nhanh quy trình, thủ tục xác định tiền sử dụng đất dự án nhà ở. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận (sổ hồng) cho người mua nhà dự án nhà ở thương mại.