Đất nền Tây Nam Bộ thu hút nhà đầu tư
(Dân trí) - Trong bối cảnh nhà đầu tư loay hoay tìm kênh trú ẩn an toàn cho dòng tài chính của mình, phân khúc đất nền Tây Nam Bộ nổi lên như một kênh đầu tư hấp dẫn.
Trong cuộc khảo sát của Dân trí về kênh đầu tư trong nỗi lo lạm phát, 41% người tham gia khảo sát chọn đầu tư bất động sản, 23% chọn vàng, 21% chọn gửi tiết kiệm và 15% chọn mua cổ phiếu. Theo đó, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hàng đầu được nhiều người dân quan tâm.
Trong nửa đầu năm 2022, nhiều địa phương có quỹ đất sạch, giá còn mềm và liền kề các thành phố lớn được chú ý như các địa bàn phụ cận TPHCM (Bình Dương, Long An), phụ cận Hà Nội (Hưng Yên), liền kề Cần Thơ (Hậu Giang, An Giang).
Bất động sản Tây Nam Bộ đón dòng tiền đầu tư
Năm 2022 được kỳ vọng là năm sôi động nhất từ trước đến nay của thị trường bất động sản Tây Nam Bộ. Theo ông Phan Hoài Nam - Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường một doanh nghiệp bất động sản lớn tại TPHCM, khu vực này chuẩn bị đón dòng tiền đầu tư "khủng", nhờ các lợi thế sau:
Thứ nhất, Tây Nam Bộ đang là nhiệm vụ trọng tâm phát triển theo nghị quyết của Bộ Chính Trị giai đoạn 2020 - 2030. Tính riêng trong năm 2022 toàn Tây Nam Bộ có hơn 10 dự án đầu tư hạ tầng (cao tốc, cảng biển, cảng hàng không) với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ USD. Đồng thời, dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ cũng được chỉ đạo sớm triển khai. Sự phát triển hạ tầng sẽ báo hiệu sự phát triển kinh tế.
Thứ hai, cũng theo nghị quyết số 59 của Bộ Chính Trị, Tây Nam Bộ tập trung phát triển thế mạnh về nông nghiệp (lúa, gạo, cây trồng và thủy hải sản). Hệ thống hạ tầng cảng biển, cảng hàng không được xây dựng nhằm hoàn thiện hệ thống logistics xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Tây Nam Bộ sang các quốc gia châu Mỹ, châu Âu, châu Á. Yếu tố lạm phát khiến dòng tiền ngoại tệ có giá và thu được nhiều tiền tệ trong nước hơn, làm tăng trưởng thu nhập, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thứ ba, làn sóng di cư có khuynh hướng đổi chiều. Với sự tập trung phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) trên cả lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghệ, trong tương lai Tây Nam Bộ càng cần nguồn nhân lực lao động nhiều hơn. Nhiều năm trở lại đây, đại bộ phận thanh niên tại ĐBSCL thường di chuyển lên Đông Nam Bộ như TPHCM, Bình Dương để học tập và làm việc. Sắp tới đây, làn sóng di cư này sẽ thu hẹp lại, đồng thời đón sóng di cư từ các địa phương khác đến Tây Nam Bộ an cư lập nghiệp, lấy Cần Thơ làm trung tâm. Nhu cầu về bất động sản tăng cao cũng dẫn đến giá bất động sản tăng.
Từ những lý giải trên, sự phát triển kinh tế nơi đây là điều không khó để nhận thấy. Kinh tế phát triển kéo theo giá bất động sản tăng trưởng dương.
"Tây Nam Bộ được ví như buổi đầu sơ khai, chờ bứt phá mạnh mẽ. Nhìn chung mặt bằng giá bất động sản còn khá mềm, nhiều dư địa tăng giá so với những nơi đã phát triển nhiều năm, mức giá đã bão hòa, không còn lợi ích cho nhà đầu tư trong ngắn hạn và cả dài hạn. Bất động sản đất nền Tây Nam Bộ hiện được giới đầu tư đánh giá là lựa chọn sáng suốt", ông Nam nói.
Các chuyên gia địa ốc cho hay, các dự án bất động sản đất nền được quy hoạch bài bản và pháp lý hoàn thiện được nhiều nhà đầu tư, người dân chào đón. Trong đó, Hậu Giang là một trong những tỉnh đầu tiên tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, trở thành "ngôi sao" đang lên và thu hút nhiều sự quan tâm của thị trường hiện nay.