Đất nền phía Tây Sài Gòn hưởng lợi từ hạ tầng giao thông kết nối

Trường Thịnh

(Dân trí) - Nguồn cung nhà ở TPHCM tiếp tục sụt giảm trong 6 năm liên tiếp đẩy giá bán tăng cao, làm cho xu hướng đầu tư ly tâm về các đô thị vệ tinh ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, đất nền phía Tây Sài Gòn chiếm ưu thế nhờ lực đẩy hạ tầng.

Về Tây Sài Gòn săn đất nền

Báo cáo thị trường bất động sản của CBRE và Savill trong quý IV/2021 đều chỉ ra rằng nguồn cung căn hộ, nhà phố, biệt thự tại TPHCM tiếp tục sụt giảm và thấp nhất trong 6 năm qua. Riêng loại hình đất nền, TPHCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới. Đa phần sản phẩm đang giao dịch hiện nay đến từ các dự án quy mô nhỏ, lẻ hoặc đất nền mua đi bán lại.

Ông Troy Griffiths - Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết, nguồn cung hạn chế tại TPHCM đã và đang thúc đẩy người mua mở rộng đầu tư các tỉnh thành khác. Do đó, 2022 sẽ là một năm thú vị để theo dõi sự mở rộng sang các tỉnh lân cận và sức bền của các nhà đầu tư.

Đất nền phía Tây Sài Gòn hưởng lợi từ hạ tầng giao thông kết nối - 1
Thị trường đất nền tại các khu vực vệ tinh phía Tây TPHCM (Ảnh: Dũng Trần).

Theo báo cáo của batdongsan.com.vn, giai đoạn cuối năm 2021 đến đầu 2022, các tỉnh giáp ranh TPHCM như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai đều đón nhận mức tăng trưởng mạnh về nhu cầu tìm mua bất động sản, mức tăng từ trên 50%. Phần lớn sự quan tâm tại thị trường Bình Dương và Đồng Nai tập trung vào phân khúc nhà phố, biệt thự, căn hộ tầm trung... Riêng tại Long An, mức độ quan tâm tiếp tục tập trung vào loại hình đất nền với mức tăng lên đến 64%. Trong đó, Đức Hòa là nơi có lượng tin rao dẫn đầu toàn tỉnh, gấp 2 lần Cần Giuộc và 3 lần Bến Lức.

Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, sự khan hiếm nguồn cung đất nền trong thời gian dài đã đẩy mặt bằng giá đất khu vực phía Tây TPHCM tăng đáng kể. Khảo sát mức giá một số sản phẩm đang đăng bán trên chuyên trang batdongsan.com.vn cho thấy, giá đất nền hộ lẻ diện tích 70-80 m2 tại Tây Sài Gòn đang rơi vào khoảng 3-8 tỷ đồng/nền tùy vị trí. Riêng đất nền dự án đã triển khai từ những giai đoạn trước, nằm dọc trục Quốc lộ 1A, Quốc lộ 22 khu vực Bình Chánh, quận 12, Tân Bình, Hóc Môn, Củ Chi có giá dao động 30-35 triệu đồng/m2...

Với lợi thế mặt bằng giá "mềm" và tập trung loạt dự án giao thông trọng điểm đang khởi động, các khu đô thị vệ tinh ngày càng được đánh giá cao. Đơn cử tại Đức Hòa - Long An, một số dự án đất nền sổ đỏ đang được chủ đầu tư giới thiệu ra thị trường có giá từ 1,2-1,4 tỷ đồng/nền, tương đương khoảng 18-20 triệu đồng/m2. Khảo sát giá bán các dự án này giai đoạn từ năm 2019 trở về trước chỉ xoay quanh vùng 8-9 triệu đồng/m2, tức tăng gấp đôi trong vòng 3 năm.

Đức Hòa đón sóng đầu tư bất động sản

Là trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn nhất Long An, bất động sản Đức Hòa tạo ra hấp lực và thanh khoản lớn với cả nhu cầu ở thực lẫn đầu tư. Trong đó, người mua ở thực đa số là chuyên gia, người lao động đang làm việc trong 20 khu công nghiệp của Đức Hòa và người lao động đang làm việc tại các quận thuộc khu Tây TPHCM. Thời gian này, xu hướng săn tìm quỹ đất tăng mạnh hơn do nơi đây đang đón loạt dự án hạ tầng trọng điểm, kết nối dễ dàng tới trung tâm khu Tây nói riêng và trung tâm TPHCM nói chung.

Đất nền phía Tây Sài Gòn hưởng lợi từ hạ tầng giao thông kết nối - 2
Lễ khởi công đường ĐT823D (Ảnh: Báo Long An).

Cụ thể, đường ĐT823D đã chính thức khởi công tháng 12/2021, có chiều dài hơn 14 km, dự kiến hoàn thiện năm 2023 sẽ kết nối Bình Chánh với khu vực liền kề Tân Mỹ, Đức Hòa. Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Long An cho biết, tỉnh đang hoàn tất hồ sơ để đến quý II/2022 sẽ khởi công mở rộng các tuyến đường ĐT824, ĐT825 huyện Đức Hòa nối đường ĐT830 với huyện Hóc Môn, TPHCM. Đây là bàn đạp để mở toang cánh cửa kết nối phía Tây TPHCM, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và tiến độ giãn dân từ TPHCM đến Đức Hòa.

Tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài kết nối từ Hóc Môn đi song song Quốc lộ 22 đến Tây Ninh cũng là dự án trọng điểm rút ngắn tối đa quãng đường từ TPHCM đi Đức Hòa trong thời gian tới. Một tuyến đường quan trọng khác dự báo sẽ thay đổi mạch giao thông của Đức Hòa đi thẳng tới trung tâm TPHCM phải kể đến tuyến đường Võ Văn Kiệt nối dài đã được đề xuất. Tuyến đường khi kéo dài sẽ giảm tải cho trục chính Trần Văn Giàu - Tỉnh lộ 10 kết nối từ Bình Chánh qua Đức Hòa đang có mật độ xe đông.

Đất nền phía Tây Sài Gòn hưởng lợi từ hạ tầng giao thông kết nối - 3
Tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài hình thành sẽ rút ngắn khoảng cách kết nối từ Đức Hòa - Long An đến TPHCM về phía Tây Bắc (Ảnh: Quỳnh Danh).

Theo quy hoạch, Đức Hòa sẽ chính thức lên thành phố vào năm 2025. Đây là đòn bẩy lớn tạo ra chu kỳ phát triển mới cho thị trường bất động sản tương tự như những tiền lệ phổ biến trên thị trường trước đó như TP Thủ Đức hay các thành phố Thuận An, Dĩ An… của Bình Dương.

Giới chuyên gia cho biết, theo đề án quy hoạch vùng TPHCM thì 3 huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa của Long An sẽ là đô thị vệ tinh của TPHCM. Trước sức bật kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển đô thị và sự chuyển động của các dự án hạ tầng, thị trường bất động sản Tây Sài Gòn và khu vực giáp ranh liên tục tăng giá, tạo ra sự phát triển mạnh cho thị trường.