Đất làng, đất xã hóa thành "đất kim cương", nhà đầu tư "vớ bở"
(Dân trí) - Lợi dụng các yếu tố về chính sách mới, quy hoạch đô thị, giới đầu cơ đất đã liên tục "thổi giá" đất đai ở các khu vực ven đô, khiến đất làng bỗng hóa "kim cương".
Lời cả tỷ đồng nhờ đầu tư vào nhà đất ven đô
Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào thị trường bất động sản Việt Nam. Hầu hết các phân khúc đều thiệt hại, nhất là phân khúc bán lẻ và bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, đi ngược lại xu hướng chung, nhà đất, đất nền ven đô vẫn tăng giá mạnh, mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho nhà đầu tư.
Đầu năm 2019, ông Huỳnh Phương, một nhà đầu tư tại TP.HCM đã rót 2,7 tỷ đồng, để mua một căn nhà 3 tầng, nằm trong một hẻm lớn tại khu Tăng Nhơn Phú, quận 9 (cũ). Diện tích căn nhà là 50 m2, như vậy giá đất bình quân là 54 triệu đồng/m2.
Sau khi có đề án xây dựng thành phố Thủ Đức, lập tức giá đất đã tăng vọt lên 65 triệu đồng/m2, khiến tổng giá trị căn nhà tăng lên 3,25 tỷ đồng.
Ở thời điểm hiện tại, căn nhà này đã tiếp tục tăng lên 4 tỷ đồng, tương đương 80 triệu đồng/m2. Ông Phương dự đoán, trong vòng 2 năm nữa, giá đất có thể vọt trên 100 triệu đồng/m2. Do đó, dù đã lời cả tỷ đồng thời điểm này ông Phương vẫn chưa muốn sang nhượng căn nhà.
Trao đổi với PV Báo Dân trí, ông Tô Doanh Nhân, lãnh đạo một công ty môi giới bất động sản tại Thủ Đức cho rằng: Có 3 lý do khiến giá đất thành phố mới Thủ Đức tiếp tục tăng, trong 2 - 5 năm nữa.
Thứ nhất, khu vực này vẫn được hưởng lợi từ các chính sách mới, sau khi quy hoạch thành phố Thủ Đức.
"Với định hướng phát triển trở thành đô thị sáng tạo, Chính phủ, UBND TP.HCM sẽ có nhiều chính sách hấp dẫn để kêu gọi đầu tư vào khu vực này. Trong đó, một số ưu tiên hàng đầu là hạ tầng giao thông, bất động sản nhà ở,... Đây chính là yếu tố lâu dài giúp giá đất Thủ Đức trong thời gian tới", ông Nhân nói.
Thứ hai, giá đất có thể tăng ngắn hạn nhờ vào yếu tố khan hiếm nguồn cung, nhất là các sản phẩm nhà ở, căn hộ bình dân, giá thấp.
Thứ ba, hoạt động đầu cơ ở khu vực này đang diễn ra rầm rộ. Nhiều nơi đang có dấu hiệu tăng "ảo", không đúng giá trị thật.
"Trên quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy đất nền Thủ Đức vừa có yếu tố tăng trưởng bền vững, vừa có yếu tố tăng "ảo". Tuy nhiên, tỷ lệ tăng "ảo" có phần nhiều hơn. Trong 5 năm tới, đầu tư vào khu vực này vẫn sẽ có lãi, nhưng nhà đầu tư phải biết điểm dừng. Nếu tăng trưởng quá "nóng" rất dễ hình thành "bong bóng" bất động sản", ông Nhân khuyến cáo
Đất làng, đất xã hóa "đất kim cương"
Theo Bộ Xây dựng, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền ven đô các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM tiếp tục đà tăng so với năm ngoái, mức tăng bình quân của cả nước là 3% - 5%. Tuy nhiên, một số khu vực ven đô có hiện tượng tăng "sốc", tăng cục bộ.
Cụ thể, tại Hà Nội, đất đai trong làng, xã ở nhiều nơi thuộc khu Tây (Hà Nội), bao gồm: Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức đã tăng 50% so với năm ngoái. Hiện, mức giá bình quân tại các khu vực này dao động từ 25 - 30 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, sau 2 năm tăng trưởng "nóng", đất đai tại khu Đông, bao gồm Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên tăng 20% - 30% so với năm ngoái.
Trong khi đó, tại TP.HCM, sau đề án thành lập thành phố Thủ Đức, giá nhà đất tại khu vực này đã liên tục tăng nhiều đợt.
Đơn cử, trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng… (quận 9 cũ), vị trí đất mặt đường đã lên tới 100 triệu đồng/m2.
Tại phường Trường Thọ Quận Thủ Đức, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 triệu - 50 triệu đồng/m2 đã tăng lên tới 70 triệu - 90 triệu đồng/m2, tăng khoảng 40% so với năm 2019.
Không chỉ ở các thành phố lớn, các địa phương giáp ranh như Đồng Nai, Cần Thơ, Long An, Bình Dương cũng có đà tăng trong năm 2020.
Đơn cử, tại Đồng Nai, bình quân giá đất đã tăng từ 8 - 10 triệu đồng/m2, lên ngưỡng 12 - 14 triệu đồng/m2. Đặc biệt, tại khu vực gần dự án Sân bay Quốc tế Long Thành, giá đã lên tới 100 triệu đồng/m2, đắt ngang trong trung tâm TP.HCM.
Theo Bộ Xây dựng, tại các "điểm nóng" tăng giá, hầu hết các giao dịch diễn ra giữa các nhà đầu cơ. Đồng thời, giới đầu cơ đã lợi dụng các yếu tố về chính sách mới, quy hoạch đô thị,... nhằm "thổi giá" thu lợi bất chính.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định: Hiện tại, giá trị đất đai ở các khu vực nêu trên chưa đạt "đỉnh", tốc độ tăng giá có thể duy trì từ 2 - 3, thậm chí trong 5 năm nữa.
Ông Đính dự báo, trong năm 2021, giá đất làng, đất xã tại Hà Nội và TP.HCM có thể tăng 5% - 10%. Trong khi đó, các địa phương đang phát triển "nóng" như Long Thành (Đồng Nai), Vân Đồn, Móng Cái (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Bình Dương, mức tăng giá có thể trên 10%. Các địa phương khác, giá đất tăng dao động từ 5% - 7% so với năm 2020.